Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ ba, 17/09/2024 | 02:20 GMT+7

Tin hoạt động

Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch hơn

31/08/2024

Hướng đến sản xuất sạch hơn (SXSH) là nhiệm vụ được tỉnh Bình Dương đặt lên hàng đầu trong định hướng phát triển bền vững.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 (Chương trình), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương (Trung tâm) phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Phối hợp với các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh thực hiện các phóng sự tuyên truyền về SXSH; phát tờ rơi, áp phích, phổ biến các văn bản pháp luật, các phương pháp áp dụng SXSH; nâng cao sự hiểu biết, nhận thức và kỹ năng quản lý, kỹ thuật cho các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp hiểu rõ về SXSH, từ đó mạnh dạn triển khai áp dụng tại chính doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhằm đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành cho cán bộ làm công tác quản lý, tư vấn và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trung tâm cũng tổ chức lớp tập huấn, hội thảo chuyên ngành về SXSH và tiết kiệm năng lượng; mở lớp tập huấn cho hơn cán bộ kỹ thuật vận hành của nhà máy; hỗ trợ thực hiện khảo sát, tư vấn, lập báo cáo đánh giá nhanh và chi tiết SXSH cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tư vấn và hướng dẫn các phương pháp áp dụng SXSH phù hợp với quy mô của doanh nghiệp với chi phí đầu tư thấp...
Tổ chức tập huấn sản xuất và tiêu dùng bền vững
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết: Thông qua hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ trực tiếp tại doanh nghiệp đã đem lại một số hiệu quả tích cực như: Nâng cao nhận thức vể sản xuất và tiêu dùng bền vững cho cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất đã nhận thức được tầm quan trong của Chương trình, qua đó  có 1 số giải pháp cụ thể sau khi được đánh giá nhằm  thúc đẩy tuần hoàn, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường; giúp công nhân tại các khu cụm công nghiệp và người dân nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của sản xuất và tiêu dùng bền vững.
"Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng SXSH ơn đã thực hiện các bước SXSH và đã tiết kiệm được từ 5 - 15% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu trên đơn vị sản phẩm. Đồng thời, nhờ nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, các doanh nghiệp đã từng bước cải tiến quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng nguyên liệu thay thế phát sinh ít chất thải,... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường", bà Hằng cho biết.
Doanh nghiệp ý thức bảo vệ môi trường
Nhận thức được vai trò của SXSH, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã và đang chủ động tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.
Theo ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương (TP. Thuận An), trong ngành dệt may hiện có nhiều doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi xanh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp này gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trước yêu cầu của khách hàng là nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì doanh nghiệp không được phép tiêu hủy, mà phải tái chế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đạt ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) sẽ có đơn hàng nhiều hơn.
“Cùng với việc ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa các quy trình quản lý, tiết kiệm nguồn lực, Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương còn chú trọng chuyển đổi xanh thông qua áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường”, ông Phan Thành Đức cho biết thêm.
Sản xuất tại Công ty TNHH MTV TM-SX Việt Liên. (Ảnh: Báo Bình Dương)
Theo ông Huỳnh Văn Liên, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM-SX Việt Liên (Thị xã Bến Cát) thì công ty đã và đang hành động thiết thực trong việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường như: Bước đầu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất của mình từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng, góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững.
Không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất lớn, các doanh nghiệp nhỏ trong các ngành nghề truyền thống cũng tích cực thực hiện các quy trình SXSH. Ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn (TP. Thủ Dầu Một) chia sẻ, công ty được ngành Công Thương tư vấn, hướng dẫn các giải pháp SXSH phù hợp với quy mô doanh nghiệp, với chi phí đầu tư ít. Công ty cũng thường xuyên học hỏi, cập nhật các giải pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng phù hợp với từng khu vực sản xuất. Song song với việc xây dựng và duy trì mô hình quản lý, giám sát để đạt mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, công ty cũng luôn chú trọng tuyên truyền trong nhân viên, công nhân về ý thức, thực hành  tiết kiệm năng lượng.
Với việc triển khai kế hoạch SXSH trên địa bàn, đến nay SXSH đã mang lại hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng đưa công nghiệp tỉnh Bình Dương phát triển bền vững.
Hương Trà