Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 08:31 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Xu hướng tiêu dùng ‘xanh’: Doanh nghiệp cần nhanh chóng hành động

26/07/2023

Việc xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm ly, ống hút, bao bì được làm từ vật liệu thiên nhiên thay thế đồ nhựa dùng một lần đã trở thành xu thế tiêu dùng mới-tiêu dùng “xanh”. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ muốn nắm bắt được cơ hội từ xu hướng tiêu dùng mới cần nhanh chóng hành động.
Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Ảnh: Internet
Ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường
Xu hướng tiêu dùng hiện nay đang tập trung nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến sản phẩm đầu ra. Người tiêu dùng cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự thông minh và tiện dụng của sản phẩm. Đặc biệt là những sản phẩm ưu tiên cho bảo vệ sức khoẻ, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường.
Đã thành thói quen, mỗi lần đi chợ, bà Phạm Thị Hoa (ở Xuân La, Tây Hồ) lại mang theo chiếc làn đan bằng mây tre do chính các hội viên Hội Phụ nữ phường Xuân La đan để đựng đồ. "Lúc đi chợ tôi mang theo chiếc làn này để đựng thực phẩm như rau, củ, quả. Tôi cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, bởi nó gây hại cho môi trường sống của chúng ta", bà Hoa nói.
Còn chị Đào Thu Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, mỗi lần đi mua thực phẩm chế biến sẵn, chị thường mang theo hộp thủy tinh để đựng. Chị từ chối việc đựng đồ vào hộp nhựa hay túi nilon vì theo chị việc này vừa lãng phí vừa gây hại cho môi trường mà lại không tốt cho sức khỏe.
"Tôi cũng thường đặt đồ uống online, ngoài những món đồ uống mình thích thì tôi thường xem cửa hàng nào sử dụng cốc, ống hút bằng giấy hoặc tre, nứa, nhìn chung là dụng cụ thân thiện với môi trường hoặc tái sử dụng được thì tôi mới đặt. Đó đã trở thành thói quen tiêu dùng của tôi", chị Thủy chia sẻ thêm.
Anh Bùi Văn Sáng, chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) cho hay, ngày càng nhiều người dân dùng hộp, túi mang sẵn để đựng hàng. "Tôi rất hoan nghênh hành động này, vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa góp phần bảo vệ môi trường. Cũng nhờ đó mà cửa hàng tôi đã chú ý hơn đến việc sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên", anh Sáng cho hay.
Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam với Hà Nội và TP. HCM, 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa…
Đáng lưu ý, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường.
Hướng đi cho doanh nghiệp
Túi sinh thái phân hủy sinh học được quảng bá tại một hội chợ do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: VGP/TL
Mặc dù tiêu dùng xanh mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư và môi trường sống, nhưng để các sản phẩm xanh thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm thì còn rất nhiều khó khăn, trở ngại... đòi hỏi, cần sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương là rất cần thiết trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tích cực triển khai sản xuất và tiêu dùng xanh như Công ty TNHH AEON Việt Nam là nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến giúp khách hàng mượn túi môi trường với chi phí thấp và được hoàn phí khi trả túi. AEON Việt Nam có quầy thu ngân ưu tiên dành cho khách hàng từ chối sử dụng túi nilon; sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường như ly cốc bằng giấy, khay và tô bằng bã mía… tại khu vực ẩm thực tự chọn. 100% siêu thị của AEON trên toàn quốc sử dụng túi nilon sinh học phân hủy...
Hay như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đi đầu xu hướng này khi vừa mới phát triển nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon. Vinamilk công bố sẽ cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Consumer Insight của NielsenIQ Việt Nam, trong xu hướng tiêu dùng xanh, người tiêu dùng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào việc doanh nghiệp sẽ có sáng kiến cũng như hành động thiết thực cải thiện môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ muốn nắm bắt được cơ hội từ xu hướng tiêu dùng mới cần nhanh chóng hành động.
Các giải pháp ban đầu và đơn giản nhất là doanh nghiệp cần thay thế, giảm nhựa trong bao bì; tiếp đó, có thể tiến hành đầu tư sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường.
Trong giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp sản xuất có thể đầu tư, phát triển công nghệ thu thập dữ liệu về mức độ phát thải và sử dụng tài nguyên trong toàn bộ dây chuyền từ cung ứng đến sản xuất; từ đó, ứng dụng tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI),... để cải thiện chuỗi cung ứng, giảm lãng phí nguyên liệu và năng lượng…
Dưới góc độ quản lý, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, TP. Hà Nội đã tập trung đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Đồng thời, triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai chương trình đã giúp khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn;…
Có thể nói, để thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và sự cam kết chung tay của các doanh nghiệp, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo: Chinhphu.vn