Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại, các doanh nghiệp đang có xu hướng thay đổi tư duy và phương thức hoạt động, đặc biệt là trong việc sản xuất và cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng phát triển mạnh mẽ và được khẳng định qua các chính sách, như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật này không chỉ xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, mà còn đặt ra trách nhiệm của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường.
Nhằm đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, Bộ Công Thương đã phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế để xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Các mô hình bền vững không chỉ áp dụng trong sản xuất mà còn đang được mở rộng ra các lĩnh vực thương mại và tiêu dùng, từ đó tiếp cận sản phẩm theo vòng đời và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng, với mức tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Thống kê cũng cho thấy hơn 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm xanh, điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn đến sức khỏe và vấn đề bảo vệ môi trường.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: centralretail)
Thích ứng với xu hướng này, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã không ngừng thay đổi chiến lực sản xuất và kinh doanh của mình để tiên phong phát triển bền vững. Điển hình, tại Acecook Việt Nam, doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi bao bì sản phẩm từ nhựa sang ly giấy, giữ nguyên giá bán và cam kết giảm thiểu lượng nhựa sử dụng trong sản xuất. Ngoài ra, công ty còn thay thế nĩa nhựa bằng loại nhựa sinh học với 49% nguyên liệu tái chế, đạt chứng nhận từ TUV Austria. Đây là một bước đi quan trọng trong việc giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Hay tại Tổng Công ty May 10, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp xanh, từ việc đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, sử dụng máy móc tiết kiệm điện, đến việc chuyển đổi nhiên liệu đốt từ than sang điện sinh khối để giảm lượng khí thải carbon. Dự kiến, khi toàn bộ dự án hoàn thành vào năm 2024, công ty sẽ giúp giảm phát thải hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường.
Còn tại hệ thống siêu thị Tops Market, bên cạnh việc khuyến khích khách hàng tự mang theo túi đựng hàng, nhiều sản phẩm tươi sống tại siêu thị cũng được gói bằng lá chuối, giấy kraft,.. thay thế bao nilon và màng bọc thực phẩm, cung cấp thùng carton miễn phí cùng các chương trình tặng/giảm giá túi tái sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó, siêu thị tổ chức Chương trình “Mang theo túi riêng” diễn ra tại các siêu thị của Tops Market trên toàn quốc vào các ngày thứ 4 trong tuần nhằm hướng tới lộ trình giảm thiểu hoàn toàn việc sử dụng túi nilon trên hệ thống bán lẻ của Tập đoàn.
Tops Market thực hiện nhiều giải pháp để tiến tới mục tiêu giảm hoàn toàn túi ni lông (Ảnh: centralretail)
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Mặc dù không ít doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và các ngành chức năng. Một số doanh nghiệp đã đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, như đào tạo và nâng cao năng lực nhân lực trong các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành bán lẻ. Bên cạnh đó, bổ sung các chương trình đào tạo về chuyển đổi số và phát triển bền vững cũng cần được chú trọng, đồng thời khuyến khích các trường đại học tích hợp kiến thức về công nghệ số và bền vững vào chương trình giảng dạy.
Về phía cơ quan nhà nước, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện và xây dựng các tiêu chuẩn xanh như kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, và các bộ tiêu chuẩn về quản trị môi trường xã hội (ESG). Bộ cũng sẽ thúc đẩy việc áp dụng các mô hình sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái chế chất thải và phát triển chuỗi sản phẩm bền vững. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ trong việc chứng nhận bền vững và dán nhãn sinh thái cho sản phẩm của mình, giúp tăng trưởng xanh và xuất khẩu bền vững.
Xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển mạnh mẽ và yêu cầu các doanh nghiệp phải có chiến lược chuyển đổi linh hoạt và phù hợp. Tuy nhiên, để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và bền vững hơn, cần có sự hỗ trợ tích cực từ chính sách của nhà nước và các tổ chức đào tạo để khuyến khích và ưu tiên doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, tái khẳng định tại COP28. Tuy nhiên, trên con đường hiện thực hóa mục tiêu này, không chỉ cần sự vào cuộc của Chính phủ hay các doanh nghiệp, tổ chức, mà còn cần sự đồng lòng, chung tay của cả người dân từ những việc làm nhỏ nhất, trong đó phải kể đến tiêu dùng xanh. |
Tuệ Lâm