Trước thách thức ngày càng nghiêm trọng của rác thải nhựa và nhu cầu thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, hệ thống Đặt cọc hoàn trả (Deposit Return System – DRS) đang được xem là một giải pháp tiềm năng cho Việt Nam.
Mới đây, Đại sứ quán Na Uy đã công bố một báo cáo nghiên cứu mới chỉ ra những lợi ích và lộ trình triển khai DRS phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Theo đó, DRS là mô hình quản lý bao bì đồ uống sau tiêu dùng, trong đó người dân trả một khoản tiền đặt cọc nhỏ khi mua sản phẩm và được hoàn lại khi đem vỏ chai, lon đã sử dụng đến điểm thu gom. Cơ chế khuyến khích này đã chứng minh hiệu quả tại hơn 40 quốc gia, giúp tăng tỷ lệ thu gom, giảm ô nhiễm và cải thiện chất lượng vật liệu tái chế do ít bị lẫn tạp chất.
Bà Hilde Solbakken-Đại sứ Na Uy tại Việt Nam công bố Báo cáo Nghiên cứu phạm vi Hệ thống Đặt cọc Hoàn trả phù hợp cho Việt Nam (Ảnh: Nhân dân)
Tại sự kiện công bố báo cáo, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Tại Na Uy, nhờ áp dụng DRS, tỷ lệ tái chế chai nhựa đạt hơn 90% – thuộc hàng cao nhất thế giới. Tôi tin rằng, với cam kết về phát triển bền vững ngày càng rõ rệt, Việt Nam có thể đạt được kết quả tương tự nếu triển khai hệ thống này một cách bài bản”.
Theo báo cáo, nếu được thiết kế và vận hành hiệu quả, hệ thống DRS có thể giúp Việt Nam giảm hơn 77.000 tấn rác thải bao bì nhựa và giảm phát thải khoảng 265.000 tấn CO₂ mỗi năm, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu. Quan trọng hơn, mô hình này còn tạo ra khoảng 9.600 việc làm, đặc biệt cho lực lượng lao động phi chính thức trong ngành thu gom và tái chế.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Giám đốc nền tảng quản lý rác thải thông minh GRAC, cho rằng: “Thành công của DRS phụ thuộc vào khả năng lồng ghép yếu tố văn hóa, địa phương hóa thiết kế hệ thống, cũng như sự hợp tác giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cộng đồng. Việt Nam nên thí điểm từng vùng trước khi triển khai toàn quốc.”
Hệ thống DSR được kỳ vọng hỗ trợ hiệu quả chính sách môi trường EPR
Một điểm đáng chú ý là hệ thống DRS có thể trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) – một nội dung quan trọng trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thay vì mỗi doanh nghiệp tự tổ chức thu gom, DRS cho phép nhà sản xuất, nhà phân phối cùng tham gia vào một hệ thống tập trung, vừa đảm bảo hiệu quả vận hành, vừa tiết kiệm chi phí và minh bạch trách nhiệm.
Các chuyên gia cho rằng, nếu được tích hợp tốt với chính sách EPR, DRS sẽ giúp củng cố hạ tầng tái chế, nâng giá trị kinh tế của vật liệu tái chế, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhựa nguyên sinh.
Việc xây dựng hệ thống đặt cọc hoàn trả tại Việt Nam không chỉ giải quyết vấn đề rác thải, mà còn mở ra cơ hội phát triển các mô hình sinh kế xanh. Đặc biệt, hệ thống này có thể được tích hợp với các ứng dụng công nghệ số để giám sát dòng chảy vật liệu, truy xuất nguồn gốc và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm.
Tuệ Lâm