Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:25 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Tiêu dùng xanh thúc đẩy chuỗi sản xuất bền vững

15/05/2023

Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn mua các sản phẩm có mang yếu tố “xanh”, điều này đã góp phần thúc đẩy hình thành các chuỗi sản xuất bền vững.
Tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ đã trở thành thói quen của gia đình chị Nguyễn Thanh Hương (Tổ dân phố số 4, phường Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội). Chị Hương cho biết, từ 5 năm nay, những sản phẩm hóa mỹ phẩm như: Dầu gội đầu, xà phòng, nước giặt, nước rửa chén… cho đến thực phẩm như: Sữa, rau xanh…, gia đình chị luôn ưu tiên sử dụng các sản phẩm dán nhãn organic (hữu cơ), mặc dù giá thành khá đắt, thông thường cao gấp 2 lần so với các sản phẩm cùng loại có thành phần hóa học.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến yếu tố sức khỏe khi mua sắm
Anh Nguyễn Văn Cường - nhân viên kinh doanh Công ty Cổ phần Ecocare Việt Nam - chia sẻ, trong những năm gần đây, các sản phẩm của Ecocare bán rất chạy, mặc dù giá thành cao hơn các sản phẩm có thành phần hóa học nhưng vẫn được nhiều khách hàng lựa chọn. Người tiêu dùng đã ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe của mình và ý thức sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, quy trình sản xuất sạch, không gây tác hại đến môi trường.
Tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã không còn là những khái niệm xa lạ, mà đang dần phổ biến hơn trong đời sống hàng ngày và càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau đại dịch toàn cầu Covid-19.
Nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5 - 11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.
Đơn cử, trong ngành sữa, ông Nguyễn Quang Trí - Giám đốc điều hành marketing của Vinamilk -chia sẻ, về sản phẩm sữa tươi Vinamilk Green Farm ra mắt thị trường ngay trong đỉnh dịch Covid-19 (năm 2021), nhưng sản phẩm này vẫn nhận được sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng. Vinamik Green Farm được người tiêu dùng yêu thích và đánh giá cao không chỉ bởi chất lượng, hương vị thiên nhiên, thuần khiết mà còn bởi vì đây là một sản phẩm thân thiện với môi trường.
Không chỉ qua sản phẩm, các yếu tố bền vững được đẩy mạnh trong cả quá trình sản xuất với trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm được Vinamilk xây dựng. Mô hình gồm 3 trụ cột chính làm định hướng cho phát triển bền vững, bao gồm: Chọn lọc đầu vào kỹ lưỡng, thực hành nông nghiệp tái tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp bền vững.
Ngành sữa đi đầu trong việc hình thành sản xuất xanh và tiêu dùng xanh
Tại các nhà máy, sản phẩm sữa tươi Vinamilk Green Farm tiếp tục được bảo đảm yếu tố bền vững ở khâu sản xuất. Hệ thống xử lý chất thải hiện đại với 100% nước thải được xử lý đạt chuẩn trước khi ra môi trường. Hệ thống năng lượng xanh như Biomass, CNG, và năng lượng mặt trời được trang bị nhằm giảm phát thải carbon, góp phần vào nỗ lực hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Phát triển bền vững và xu hướng tiêu dùng sản phẩm “xanh” đang là xu hướng phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài “dòng chảy” này. “Vinamilk không chỉ dừng lại ở câu chuyện trang trại sinh thái và sản phẩm sữa tươi Vinamilk Green Farm, chúng tôi còn đang thực hiện, và tham gia các hoạt động nhằm tuyên truyền, lan tỏa về lối sống xanh, xây dựng ý thức và thói quen bảo vệ môi trường đến cộng đồng” - ông Nguyễn Quang Trí nhấn mạnh.
Xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai gần, khi thế hệ trẻ vốn có mức độ quan tâm cao về các vấn đề phát triển bền vững sẽ tham gia vào lực lượng tiêu dùng chính.
Theo: Báo Công Thương