Thời gian qua, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV) đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội theo hướng tôn trọng quy luật tự nhiên, bảo vệ môi trường hay phát triển kinh tế tuân thủ xu hướng “tuần hoàn”, bền vững. Theo đó, mua sắm xanh, tiêu dùng xanh hiện là một trong những mục tiêu chủ đạo của Chương trình và đang dần trở thành một xu hướng rõ ràng, tích cực góp phần thúc đẩy SX&TDBV ngày một phát triển.
Vậy “mua sắm xanh, tiêu dùng xanh” là gì? Tại sao nó đang góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững? Dưới góc độ SX&TDBV, “mua sắm xanh, tiêu dùng xanh” là việc mua sắm, tiêu dùng các dịch vụ và sản phẩm có liên quan để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người và mang lại một cuộc sống tốt hơn, đồng thời giảm thiểu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu độc hại cũng như giảm thiểu phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm, sao cho không làm tổn hại đến việc thoả mãn các nhu cầu sinh tồn của các thế hệ tương lai.
Với ý nghĩa đó, thời gian qua và đặc biệt là hiện nay, mua sắm xanh, tiêu dùng xanh nói riêng và Chương trình hành động quốc gia về SX&TDBV nói chung được giới báo chí, truyền thông cổ vũ, tuyên truyền mạnh mẽ, góp phần đưa hành vi mua sắm, tiêu dùng xanh trở thành một trong những thói quen, xu hướng tiêu dùng ngày một phổ biến ở các thành phố lớn, nhất là trong thời buổi đại dịch Covid-19.
Người tiêu dùng hướng tới sử dụng túi sử dụng nhiều lần.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có dữ liệu chính thức về hành vi mua sắm xanh, tiêu dùng xanh sau sự xuất hiện của dịch bệnh, nhưng có thể thấy, mua sắm xanh, tiêu dùng xanh, bền vững đang ngày càng được quan tâm hơn trong cộng đồng người tiêu dùng và cả doanh nghiệp Việt. Cụ thể, tại các sự kiện Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam hàng năm, đặc biệt là năm 2021 với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh – Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới” đã thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị xanh, bền vững trong chính sách sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như trong tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng.
Theo đó, tiêu dùng xanh là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Những năm qua, nhiều mô hình tiêu dùng xanh được cộng đồng hưởng ứng như: Gói rau, củ, quả bằng lá chuối; dùng bình nước bằng thủy tinh, ống hút bằng tre hoặc giấy; sử dụng ly giấy thay ly nhựa, túi vải thay túi ny-lông… Hơn thế, vừa qua, mặc dù giãn cách xã hội thời gian dài ở nhiều tỉnh thành cả nước, nhưng đại dịch đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng xanh, bền vững, hợp lý. Đặc biệt, người tiêu dùng đang chuyển hướng sang ưu tiên tiêu chí “tiện” - “bảo vệ môi trường” khi mua hàng trong bối cảnh hiện nay. Đó là việc đặt hàng trên thiết bị di động, công nghệ, giao hàng tận nơi và thanh toán không tiền mặt, hạn chế tiếp xúc, sử dụng đồ an toàn với môi trường, sạch sẽ, hữu cơ…
Trước xu hướng mua sắm xanh, tiêu dùng xanh ngày một phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, rất nhiều đơn vị, cửa hàng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã mau chóng đầu tư, chuyển dịch việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Cụ thể, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư dây chuyền máy móc, trang thiết bị hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch. Ðiều này góp phần giúp các sản phẩm của nhiều công ty nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường, cập nhật những xu thế, thị hiếu mới của người tiêu dùng… Tuy nhiên, xu hướng mua sắm xanh, tiêu dùng xanh cũng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với những doanh nghiệp nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu, thiếu vốn đầu tư,...
Hiện nay, ở nhiều thành phố lớn, ví như Hà Nội, nhiều doanh nghiệp, các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tại làng gốm sứ Bát Tràng đã ghi nhận sự thay đổi rõ nét nhất trong việc ứng dụng công nghệ mới làm giảm ô nhiễm môi trường và mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, gần 100% cơ sở sản xuất ở Bát Tràng đã chuyển đổi lò nung sử dụng than, củi gây ô nhiễm sang sử dụng lò nung gas và điện. Từ đó, loại bỏ được 100% chất thải rắn, khói bụi, giảm 60% sức lao động trong môi trường độc hại...
Như vậy, có thể nói, "mua sắm xanh” không chỉ là xu hướng tất yếu mà nó còn mang lại nhiều lợi ích như: Nâng cao độ an toàn, sức khỏe cho người dân và cộng đồng; giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn; kích thích hình thành thị trường mới đối với vật liệu tái chế và gia tăng việc làm; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tiết kiệm chi phí mua sắm và sử dụng; tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường... Từ đó, cần nâng cao nhận thức mua sắm xanh, tiêu dùng bền vững hơn nữa trong thời gian tới.
Theo: Công nghiệp và tiêu dùng