Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 25/07/2025 | 22:41 GMT+7

Tin hoạt động

Xanh hoá sản xuất và tiêu dùng tại Thủ đô

24/07/2025

Trong nỗ lực thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chương trình hành động quốc gia về sản xuất - tiêu dùng bền vững (SCP) giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội đang tích cực triển khai hàng loạt hoạt động hướng đến mô hình sản xuất sạch, sống xanh tại các khu công nghiệp và làng nghề.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn bộ các quận, huyện, thị xã sẽ hoàn thành công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về lối sống bền vững. Đồng thời, 100% khu và cụm công nghiệp cùng với 70% các làng nghề truyền thống sẽ được tiếp cận các nội dung giáo dục và phổ biến kiến thức về sản xuất và tiêu dùng thân thiện môi trường. Cùng với đó, các điểm bán lẻ như chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại cũng được vận động chuyển đổi, không còn sử dụng túi nilon khó phân hủy nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Hà Nội tăng cường các giải pháp sản xuất và tiêu dùng bền vững (Ảnh: Tạp chí Công Thương)
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, thành phố triển khai thông qua nhiều kênh truyền thông đa dạng như: tổ chức phát hành 2.000 cuốn sổ tay hướng dẫn mô hình sống xanh, tổ chức trình chiếu hơn 1.000 lượt video tại các trung tâm thương mại, đồng thời xây dựng 5 phóng sự truyền hình và 30 bài viết nhằm lan tỏa thông điệp sản xuất sạch hơn tới cộng đồng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức 4 hội nghị giới thiệu chính sách và 10 lớp tập huấn kỹ thuật chuyên sâu cho cán bộ tại các cơ sở sản xuất, tạo điều kiện để lực lượng kỹ thuật địa phương có thêm kinh nghiệm thực tế trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.
Việc chuyển đổi hành vi tiêu dùng cũng đang có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt ở nhóm người trẻ có học vấn cao, nhận thức tốt về sức khỏe và sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Những thay đổi trong lựa chọn tiêu dùng như ưu tiên thực phẩm hữu cơ, sử dụng bao bì phân hủy sinh học và hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần đang dần trở nên phổ biến, cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của một bộ phận lớn người dân.
Không chỉ dừng lại ở truyền thông và đào tạo, Hà Nội còn lồng ghép hoạt động môi trường vào các sự kiện cộng đồng quy mô lớn như Ngày Nước Thế giới, Ngày Môi trường Thế giới hay Chiến dịch Giờ Trái đất. Đồng thời, thành phố khuyến khích đội ngũ cán bộ công chức tham gia các cuộc vận động như "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa gắn với các sản phẩm thân thiện môi trường.
Những chương trình này được tích hợp với các sáng kiến tiết kiệm năng lượng và chính sách khuyến công, qua đó góp phần xây dựng một hệ sinh thái sản xuất -  tiêu dùng bền vững. Tất cả đều hướng tới một mục tiêu dài hạn: quản lý hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải, tạo thêm việc làm xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời tạo nền tảng cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại thủ đô.
Tuệ Lâm