Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:05 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Tiêu dùng xanh tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và phải pháp

13/07/2023

Tóm tắt:
Tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần thành một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng ngày một nâng cao. Tuy nhiên, tiêu dùng xanh cũng gặp phải nhiều thách thức. Do vậy, cần có giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng xanh, bảo đảm phát triển bền vững, bắt kịp với xu thế của thế giới. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng tiêu dùng xanh tại Việt Nam với những kết quả đạt được, xu hướng phát triển, cũng như những thách thức đặt ra, từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hoạt động tiêu dùng xanh tại Việt Nam.
Từ khóa: tiêu dùng xanh, thực trạng, giải pháp.
1. Đặt vấn đề
Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển và đang lan tỏa mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình trở lên. Ở Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn, cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, mức sống người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, an toàn cũng ngày càng tăng, nhất là các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt của người dân. Vì vậy, việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam sẽ là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Tiêu dùng xanh là gì?
Tiêu dùng xanh (Green consumption) được hiểu là một phần của tiêu dùng bền vững, là việc mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.
Những sản phẩm “xanh” bao gồm tất cả các ngành hàng như đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm,… Chúng đều được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, sản phẩm hữu cơ hoặc thành phần đơn giản, ít gây hại tới sức khỏe và môi trường sống.
Ngoài ra, các sản phẩm “xanh” này còn bao gồm các yếu tố như quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không chứa hóa chất độc hại. Hoặc những sản phẩm đó giúp cho mỗi người trở thành người tiêu dùng xanh tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khác.
2.2. Lợi ích của tiêu dùng xanh         
Thân thiện với môi trường: Người tiêu dùng xanh là những người mua các sản phẩm thân thiện với môi trường, với thiên nhiên. Đồng thời hạn chế sử dụng các sản phẩm có nhiều bao bì, hoặc trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
An toàn, tiết kiệm: Những thứ làm từ thiên nhiên, thân thiện môi trường thì luôn an toàn cho người sử dụng. Việc tái chế, tái sử dụng các sản phẩm như túi đựng bằng giấy, tre, nứa thay cho các sản phẩm sử dụng một lần sẽ giúp tiết kiệm tối đa chi phí. Đồng thời, hạn chế mua các sản phẩm không cần thiết hay không thân thiện, góp phần giảm chi tiêu của gia đình. 
Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên: Các sản phẩm tái chế giúp chúng ta tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách tốt nhất. Đáp ứng phát triển bền vững ở hiện tại mà không ảnh hưởng tương lai.
Khuyến khích sản xuất: Việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, tự nhiên sẽ giúp các doanh nghiệp có thể hưởng được nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước và có thể thâm nhập được vào các thị trường khó tính trên thế giới… từ đó khuyến khích sản xuất phát triển.
3. Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, bài nghiên cứu đã phân tích thực trạng tiêu dùng xanh tại Việt Nam, những khó khăn, thách thức trong xu hướng tiêu dùng xanh, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hoạt động tiêu dùng xanh tại Việt Nam.
Bài viết sử dụng phương pháp phân tích các dữ liệu lịch sử và các báo cáo được cung cấp để củng cố cho các lập luận được đưa ra.
4. Nội dung nghiên cứu
4.1. Xu hướng tiêu dùng xanh ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam đã và đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh cũng bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết, như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999),... Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh, như: Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cùng với đó Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương); Nhãn sinh thái cho ngành Du lịch cũng được triển khai.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Gần đây, trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam, tiêu dùng xanh là nội dung quan trọng được đề cập. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Các chủ trương, chính sách, chương trình hành động về tiêu dùng xanh được phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước, bước đầu đã đạt những kết quả tốt, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, nhiều người tiêu dùng cho biết, họ ưu tiên mua các thực phẩm Organic, BiOrganic, thực phẩm không biến đổi gen,… vì sử dụng phương pháp trồng trọt, chăn nuôi truyền thống, không tác động tiêu cực đến môi trường. Mặc dù chi phí cho các sản phẩm này tăng cao, nhưng người dùng vẫn chấp nhận, vì ý thức được vấn đề liên quan đến sức khỏe và hệ sinh thái.
Gần đây, trong Khảo sát Thói quen Tiêu dùng - tháng 12/2021, PwC đã khảo sát 9.370 đáp viên đang sinh sống tại 26 vùng lãnh thổ và quốc gia trong đó có Việt Nam, kết quả cho thấy, người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường. Hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy. Trước đó, kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam công bố tại Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” do Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương tổ chức năm 2017 đã cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề “xanh” và “sạch”, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”. Cụ thể, có đến 86% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm đến từ thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường. Việc doanh nghiệp cam kết có trách nhiệm với môi trường cũng tác động đến quyết định mua hàng của 62% người tiêu dùng Việt Nam và có tới 80% người tiêu dùng lo ngại tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo.
Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển nhanh trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, nhiều đơn vị đang thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, đặc biệt là nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon. Nhiều siêu thị lớn của Việt Nam đã có những hành động cụ thể và thiết thực để giảm thiểu túi nilon, cũng như khuyến khích dùng túi sử dụng nhiều lần, chương trình tích điểm khi không sử dụng túi nilon. Theo đó, các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội…  đã nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nylon; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường… Tại Lotte Mart Việt Nam, đã có những bước chuẩn bị từ những năm gần đây trong việc tặng túi môi trường tái sử dụng cho người tiêu dùng, khuyến khích khách hàng khi đi mua sắm tại Lotte Mart mang theo túi môi trường tái sử dụng. Tại MM Mega Market, thay vì đưa ra túi nilon sử dụng một lần, MM bán những chiếc túi sử dụng nhiều lần với giá phải chăng, cung cấp những thùng carton, băng keo cho khách hàng,…
Hình minh họa
Nhiều cửa hàng trà sữa, cà phê đã chuyển sang kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre hoặc inox thay cho ống hút nhựa; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy; chỉ sử dụng túi giấy thay vì sử dụng túi nylon… Cùng với đó, các hãng hàng không Vietjet, Bamboo đã đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay... Nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh. Xu hướng tiêu dùng xanh cũng kéo theo sự phát triển nở rộ của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Home Food, Hano Farm,… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân. Vinamilk đã phát triển một chuỗi các trang trại xanh, hay Vinamit đã “biến” các sản phẩm nông sản Việt Nam thành những sản phẩm xanh, sạch, an toàn để xuất khẩu hoặc tiêu dùng trong nước.
4.2. Những khó khăn, thách thức trong xu hướng tiêu dùng xanh
Mặc dù tiêu dùng xanh mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường sống, nhưng để các sản phẩm xanh thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây  ô nhiễm thì còn nhiều khó khăn, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Ý thức trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường từ phía doanh nghiệp còn hạn chế. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, mặc dù công nghệ xanh rất phát triển trên thế giới, song không dễ được đưa vào áp dụng ở Việt Nam. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp. Việc đầu tư, chi phí ban đầu lớn, đã tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh. Số lượng doanh nghiệp chủ động đầu tư, đổi mới mô hình sản xuất theo hướng hiện đại vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực, lựa chọn công nghệ phù hợp. Việc kiểm định các hàng hóa xanh, hàng hóa sạch, hàng hóa đạt các tiêu chuẩn chứng chỉ cho các doanh nghiệp nhiều khi chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn lưu thông trên thị trường, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Thứ hai: Thiếu chính sách hỗ trợ phát triển xanh, các chính sách hướng đến phát triển tiêu dùng xanh còn thiếu đồng bộ. Các chính sách thúc đẩy sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ, chưa tạo ra được sự chuyển biến đáng kể để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất. Cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm xanh còn bộc lộ nhiều mặt bất cập. Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ nhằm sản xuất hàng hóa thân thiện môi trường còn ít, mức độ hỗ trợ thấp. Các quy định chính sách hỗ trợ thường tập trung cho khâu sản xuất, chưa hướng mạnh tới người tiêu dùng.
Thứ ba: Mức thu nhập của nhiều người dân Việt Nam ở mức trung bình và thấp, nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm xanh còn hạn chế. Chi phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm xanh thường lớn hơn nhiều so với loại hàng hóa tương tự, nên giá thành cao và không có khả năng cạnh tranh trên thị trường (mức giá trung bình của các hàng hóa xanh thường cao hơn 20 - 40% so với các loại hàng hóa tiêu dùng cùng loại). Sự phàn nàn của khách hàng đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng góp phần làm giảm lòng tin với các loại sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường.
Khó khăn tiếp theo là nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng hàng hóa và mức độ hiểu biết của họ về tiêu dùng xanh còn hạn chế (gần 72% người được hỏi đã nghe nói tới, nhưng không hiểu rõ về sản phẩm hàng hóa thân thiện môi trường). Việc tiêu dùng các hàng hóa được dán nhãn sinh thái cũng chủ yếu tập trung ở người có trình độ học vấn cao, thu nhập tốt, am hiểu, cũng như quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thân thiện với môi trường hơn so với các nhóm khác.
5. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh
Mặc dù tiêu dùng xanh mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư và môi trường sống, nhưng để các sản phẩm xanh thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm thì còn rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là với một nước đang phát triển như Việt Nam. Để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương là rất cần thiết trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững. Cụ thể như sau:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách vĩ mô: Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về tiêu dùng xanh sao cho đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch. Chính phủ cần xác định các ngành/lĩnh vực trọng tâm có khả năng phát triển, trước hết, cần tập trung vào các hàng hóa mà hiện nay Việt Nam đang có thế mạnh. Đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh; phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh. Cùng với đó, cần phát triển và nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh, đồng thời, hỗ trợ giá đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh, nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm này. Tăng cường việc đào tạo chuyên môn để hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm phương pháp quản lý, thực hành các lĩnh vực kỹ thuật cụ thể, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính… Chính sách ưu đãi, hỗ trợ không chỉ dành cho hàng hóa được chứng nhận Nhãn Xanh Việt Nam, mà cần mở rộng cho các dự án sản xuất hàng hóa thân thiện môi trường ở nhiều cấp độ khác nhau.
Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của tiêu dùng xanh và tăng trưởng xanh: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêu dùng xanh đối với môi trường sống và sức khỏe của con người, tiến tới thay đổi nhận thức và hành động của toàn xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường. Cần có chính sách nhấn mạnh vào lợi ích cá nhân của tiêu dùng xanh trên các kênh truyền thông, thông qua đó người tiêu dùng sẽ nhận thức được đầy đủ và hiệu quả hơn về sản phẩm đối với sức khỏe của bản thân, cũng như tác hại trực tiếp tới môi trường. Phổ biến các mô hình, kinh nghiệm tốt và hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh, hài hòa với thiên nhiên, gắn kết với việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiệp hội Bán lẻ và Siêu thị, Hội Bảo vệ người tiêu dùng phải làm đầu mối vận động các đơn vị hội viên nâng cao tỷ trọng hàng Việt Nam tại các trung tâm và siêu thị, kết hợp với các biện pháp quảng cáo, khuyến mại chân thực. Trong cuộc vận động này, cả Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đều có trách nhiệm.
Về phía các doanh nghiệp, cần chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường; chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đặc biệt, luôn phải đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng là trọng tâm của việc phát triển sản phẩm và có một chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững. Yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Đối với các doanh nghiệp ít vốn, để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, không nhất thiết phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, mà có thể thông qua những hành động đơn giản như: chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện và ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Phát triển xanh sẽ là con đường chiến lược để các doanh nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
6. Kết luận
Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến tăng trưởng xanh bền vững và nỗ lực sử dụng các giải pháp thân thiện với môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu, không chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp mà tất cả các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ, thương mại… đều chuyển hướng ưu tiên sang những mô hình, cách thức sản xuất xanh. Xanh hóa sản xuất góp phần giảm thiểu ô nhiễm và phát thải nhà kính,  hướng tới tăng trưởng bền vững mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cả về kinh tế và những giá trị vô hình cho doanh nghiệp. Đối với Việt Nam, việc bắt kịp xu hướng này sẽ tạo ra cơ hội phát triển nhanh chóng, mở rộng thị phần, cũng như tranh thủ được sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiêu dùng xanh cũng đang gặp phải những thách thức như giải quyết mối quan hệ giữa lợi nhuận và tăng trưởng xanh, các chính sách của Nhà nước trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, và cả thói quen của người tiêu dùng. Do vậy, cần có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tiêu dùng xanh, bảo đảm phát triển bền vững, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bộ Tài nguyên và Môi trường, (2017). Dự án “Điều tra, khảo sát xây dựng  đề án phát triển thị trường các hàng hóa thân thiện môi trường.
Chính phủ (2012), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Chính phủ (2021), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương (2017). Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh, Hội thảo, Hà Nội.
Lâm Việt Dũng (2017). Nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển các kênh phân phối hàng hóa thân thiện môi trường. Đề tài khoa học cấp Bộ.
PwC (2021), Khảo sát Thói quen Tiêu dùng - tháng 12.
https://scp.gov.vn/
THE GREEN CONSUMPTION IN VIETNAM: CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS
Master. Phan Thi Le Thuy
Nha Trang University
Abstract:
In Vietnam, green consumption is gradually becoming a new trend, and consumers' awareness of green consumption and green products has also been enhanced. However, green consumption still faces many challenges. It is necessary to have solutions to promote green consumption, ensure its sustainable development and to keep up with the consumption trend in the world. This paper analyzes the current green consumption in Vietnam and its achieved results. The paper also analyzes development consumption trends and challenges to the development of green consumption in Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to support the green consumption in Vietnam.
Keywords: green consumption, current situation, solution.
Nguồn: Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 3 năm 2023