Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 18:57 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Doanh nghiệp nắm bắt xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững

19/07/2023

Các nhà sản xuất, doanh nghiệp nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm có yếu tố xanh và sạch, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen của mình và hướng đến tiếp cận những sản phẩm xanh, hàng hóa xanh, thân thiện với môi trường. Sự gia tăng của xu hướng này đã thôi thúc các nhà sản xuất, bán lẻ nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm có yếu tố xanh và sạch, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Mới đây, PwC đã thực hiện một cuộc khảo sát về “Thói quen tiêu dùng” và kết quả cho thấy rằng người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường. Hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy. Trước đó, báo cáo của Nielsen năm 2020 cũng chỉ ra rằng 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh” và “sạch” hay được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Trước nhu cầu ngày càng cao về tiêu dùng xanh, các nhà sản xuất trong nước đã có những động thái tích cực. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm có yếu tố xanh và sạch, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Theo kết quả nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch đều có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm.
Ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing của Vinamilk chia sẻ về sản phẩm Sữa tươi Vinamilk Green Farm. Ra mắt thị trường ngay trong đỉnh dịch Covid-19 năm 2021, nhưng sản phẩm này vẫn nhận được sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng. Vinamik Green Farm được người tiêu dùng yêu thích và đánh giá cao không chỉ bởi chất lượng, hương vị thiên nhiên, thuần khiết mà còn bởi vì đây là một sản phẩm thân thiện với môi trường, gần gũi thiên nhiên.
Không chỉ qua sản phẩm, mà các yếu tố bền vững được đẩy mạnh trong cả quá trình sản xuất với Trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm được Vinamilk xây dựng. Mô hình này gồm 3 trụ cột chính làm định hướng cho phát triển bền vững, bao gồm: Chọn lọc đầu vào kĩ lưỡng, thực hành nông nghiệp tái tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp bền vững.
3 trụ cột chính làm định hướng cho sự phát triển vững của Vinamilk Green Farm  (Nguồn: Vinamilk) 
Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm chế biến, ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH chế biến Dừa Lương Quới (Vietcoco) cho hay người tiêu dùng giảm ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe nên sẵn sàng chi trả để mua những sản phẩm chất lượng. Mặt khác, người tiêu dùng cũng cân đối lại vấn đề ăn uống theo xu hướng cắt giảm một số nhu cầu khác để tăng cường mua sắm phục vụ nhu cầu thiết yếu và tăng cường sức khỏe, nên tạo ra cơ hội cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Để sản phẩm có thể xuất khẩu vào hơn 40 thị trường trên thế giới và góp phần nâng cao sự nhận diện thương hiệu Việt đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, Dừa Lương Quới đã ứng dụng công nghệ, đảm bảo hương vị riêng và ổn định. Đồng thời, sản phẩm của Dừa Lương Quới cũng phải chinh phục nhiều tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, để được trưng bày ở những hệ thống siêu thị hàng đầu tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Canada, châu Âu…
Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất thì các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Home Food, Hano Farm… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân. Nhiều cửa hàng trà sữa, cà phê chuyển sang kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre, ống hút giấy hoặc inox thay cho ống hút nhựa; chỉ sử dụng túi giấy thay vì sử dụng túi nylon… Nhiều siêu thị lớn trên cả nước như Co.opmart, Lotte mart thời gian qua cũng có những động thái giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nylon; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường.
Người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường (Ảnh: Internet)
Để tồn tại trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp buộc phải chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp luôn phải đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng là trọng tâm của việc phát triển sản phẩm và có một chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.
Có thể thấy, từ xu hướng tiêu dùng xanh cùng với sự vào cuộc chủ động của nhà sản xuất, bán lẻ, chúng ta đang từng bước tạo nên những thay đổi căn bản cả về nhận thức và hành động. Đó là bước đệm, tạo động lực cho các nhà sản xuất, bán lẻ trong nỗ lực ‘xanh hóa’ vì sự phát triển bền vững.
Mai Anh