Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 08:20 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Đột nhập "trạm làm đầy" giúp giảm thiểu rác thải nhựa tại TPHCM

09/03/2021

Nhằm mong muốn giảm thiểu tối đa rác thải nhựa, chị Nguyễn Dạ Quyên cùng các cộng sự đã cho ra đời "trạm làm đầy" mang tên "Lại đây refill", giúp làm đầy lại các vỏ chai, lọ đã hết.
“Lại đây refill” là nơi cho phép người tiêu dùng được chiết các sản phẩm cần cho sinh hoạt cá nhân hằng ngày vào chai lọ cũ để vừa tiết kiệm chi phí và ngay lập tức chung tay giảm rác nhựa từ bao bì các sản phẩm này. 80% sản phẩm, giải pháp sống xanh tại "Lại đây refill" được sản xuất tại Việt Nam.
Khách hàng có thể tới và để lại vỏ các lọ bột giặt, tuýp kem đánh răng, chai nước rửa bát,... của gia đình mình. Chị Nguyễn Dạ Quyên (Sáng lập và điều hành Lại Đây Refill Station): “Trước đây,  tôi thấy được rằng một cá nhân thôi cũng có thể thải ra rất nhiều đồ nhựa ra môi trường. Quan sát quanh nhà tôi, tôi thấy có rất nhiều chai, lọ bỏ đi mà không thể sử dụng làm gì khác. Và khi đó, tôi biết rằng mình cần phải làm điều gì đó. Đến năm 2018, tôi và các cộng sự cho ra đời “Lại đây refill”. Tính đến hiện tại, "Lại đây refill" truyền cảm hứng và chia sẻ kiến thức sống bền vững đến hơn 50.000 người tại Việt Nam, giúp tiết kiệm được hơn 100.000 bao bì mới tương ứng với khoảng 2 tấn bao bì cũ được tận dụng thông qua hoạt động refil".
Theo chị Quyên, thách thức lớn nhất vẫn là làm thế nào để nâng cao nhận thức người tiêu dùng, biến tư duy sống xanh thành thói quen tiêu dùng bền vững có trách nhiệm.
Chị Phạm Thị Bích Hồng (quận 7, TPHCM): “Mình có cơ hội đi du học nước ngoài trong vòng 5 năm, và suốt khoảng thời gian đó mình xây dựng, hình thành lối sống xanh để bảo vệ môi trường. Khi về Việt Nam, mình tiếp tục duy trì lối sống đó, như hạn chế dùng đồ nhựa một lần, luôn mang theo túi vải bên mình để thay thế túi nilong, mang theo ống hút thuỷ tinh và nói không với ống hút nhựa,… Khi biết đến một cửa hàng mà làm đầy những chai lọ cũ giúp bảo vệ môi trường như “Lại đây”, mình cảm thấy thật sự rất thích. Các sản phẩm của cửa hàng cũng hoàn toàn từ thiên nhiên nên sau thời gian sử dụng, mình thấy rất phù hợp với bản thân mình. Mình vừa có thể bảo vệ sức khoẻ của bản thân, vừa có thể bảo vệ môi trường”.
Ông Vincent Floreani - Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM cho biết “Lại đây refill” chính là điều mà chính phủ Pháp mong muốn và đây cũng là điều ông mong muốn về sự phát triển bền vững. “Nơi đây không chỉ giúp tái chế sản phẩm, chống ô nhiễm, mà còn hỗ trợ các hoạt động từ thiện, ví dụ như hoạt động hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm ở Đà Nẵng, hoạt động cung cấp thông tin về các nhóm khác giúp cho sự kết hợp trong lĩnh vực tái chế nhựa này và cuộc chiến chống ô nhiễm. Vì vậy, tất nhiên, tôi ủng hộ tất cả những điều này vì nó giảm số lượng bao bì, giảm rác thải”, ông Vincent Floreani nói.
Các khách hàng thích thú với sản phẩm của "Lại đây refill".
Đây là mô hình kinh doanh đầu tiên tại Việt Nam cho phép người tiêu dùng được chiết các sản phẩm vào chai lọ cũ.
Ngoài làm đầy lại các vỏ sản phẩm, nơi đây cũng bày bán những sản phẩm thân thiện với môi trường như ống út thuỷ tinh, túi vải đi chợ, các đồ dùng cá nhân bằng gỗ,...
Nhằm phục vụ cộng đồng sống xanh tốt hơn cũng như đóng góp giá trị nhiều hơn cho mục tiêu phát triển bền vững, tại "Lại đây refill" còn có khu vực tiếp nhận đồ cũ từ cộng đồng như pin cũ, cọ mascara cũ, ốp lưng điện thoại, chai lọ cũ, bút hết mực, hộp mực in… nhằm gửi đến đúng nơi xử lý hoặc tái chế.
Theo Báo Lao động