Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:20 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh

17/02/2021

Trong và sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng trên thế giới tăng cường mua sắm trực tuyến và càng chú trọng hơn vấn đề an toàn vệ sinh cũng như tính minh bạch của thực phẩm. Họ ưu tiên lựa chọn thực phẩm khiến việc nấu ăn dễ dàng, chất lượng hơn và ăn uống tại nhà.
Đó là thông tin được bà Nguyễn Hương Quỳnh, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh The Blue Ocean chia sẻ tại Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2020 (Vietnam Foodexpo 2020).

Đặc biệt, theo bà Quỳnh, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển từ đạm động vật sang đạm thực vật và những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Bà Quỳnh cho rằng, các doanh nghiệp Việt nên tận dụng xu hướng này để đầu tư vào sản xuất các thực phẩm có nguồn gốc thực vật và sản phẩm thay thế bền vững nhằm giảm ô nhiễm môi trường.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: KA
Bà Quỳnh dẫn ra khảo sát của Brand Vietnam mới đây cho thấy, sau dịch Covid 19, có 76% người tiêu dùng trong nước ưa chuộng sản phẩm địa phương, nội địa có nguồn gốc rõ ràng. Người tiêu dùng tìm hiểu sâu hơn về tác dụng của các thành phần, nguyên liệu có trong thực phẩm. Đồng thời, ưu tiên sử dụng sản phẩm có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe và ăn nhiều các loại hạt hơn để thay thế cho cơm.

Bà Quỳnh kết luận, khi vấn đề an toàn thực phẩm trở thành một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để xem xét đưa ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng, thì việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cần phải được thực hiện một cách rộng rãi và hiệu quả hơn để đáp ứng được yêu cầu của người dùng. Việc truy xuất nguồn gốc phải phải rõ ràng, đầy đủ, cụ thể các thông tin từ giống, quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến,... đến tay người tiêu dùng và phải được bên thức ba kiểm chứng độc lập.

“Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ blockchain kết hợp IoT để truy xuất nguồn gốc thực phẩm được chi tiết và chính xác hơn trong suốt vòng đời của thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Đồng thời, áp dụng các công nghệ cao như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo,... vào mọi khâu trong chuỗi giá trị của sản phẩm”, bà Quỳnh nói.

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Vietnam Foodexpo 2020. Ảnh: KA
Vietnam Foodexpo 2020, diễn ra từ ngày 9 đến 12/12, thu hút sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp đến từ 27 tỉnh, thành trên cả nước và trưng bày các mặt hàng thuộc nhiều lĩnh vực: rau quả; đồ uống, trà và cà phê; nguyên liệu thực phẩm; thực phẩm chế biến;...
Theo Báo Khoa Học & Phát Triển