Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 15:54 GMT+7

Sản xuất bền vững

Hà Nội ưu tiên khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề

14/05/2020

Làng nghề và gánh nặng rác thải

Sản xuất giày tại làng nghề giày da Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội)
Xã Phú Yên được biết đến là làng nghề da giày truyền thống của Hà Nội. Xã hiện có hơn 500 hộ, tổ hợp sản xuất, kinh doanh giày dép da, thu hút hơn 1.300 lao động trong và ngoài xã. Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường trung bình 10 triệu đôi giày dép, đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây luôn nhức nhối. Việc xử lý rác thải kém hiệu quả, từ vải và da vụn thải ra trong quá trình sản xuất đến tình trạng đổ trộm rác... khiến cho đường làng ngõ xóm, kênh mương lúc nào cũng bừa bộn rác. Thêm và đó, việc đốt rác thải lộ thiên làm cho tình trạng ô nhiễm không khí luôn hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tương tự cũng thường xuyên diễn ra tại xã Sơn Hà, nơi có nghề tết võng dù, gia công đồ thủ công mỹ nghệ như túi xách, ba-lô, ví da... Mặc dù việc thu gom rác thải do công ty môi trường đảm nhận nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý quá lớn của địa phương. 
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, để khắc phục và tiến tới xử lý ô nhiễm làng nghề theo hướng bền vững, tới đây, huyện sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên. Ðặc biệt tăng cường quản lý, kiểm soát chất thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại huyện (khu xử lý rác thải tại xã Châu Can) với công nghệ tiên tiến, nhằm giảm tỷ lệ rác thải chôn lấp.
Ưu tiên giải quyết vấn đề môi trường
Hiện tại, nhà máy xử lý rác thải huyện Phú Xuyên (thôn Lễ Thượng, xã Châu Can) đang xây dựng với nguồn kinh phí dự kiến 200 tỷ đồng theo hình thức xã hội. Theo thiết kế nhà máy có thể xử lý 500 tấn rác thải các loại/ngày. Công nghệ sử dụng là công nghệ đốt 2 cấp xử lý khói thải, thu hồi một phần nhiệt để sấy rác trước khi đốt. 
Lãnh đạo huyện kỳ vọng nhà máy sẽ góp phần giải quyết tối đa nhu cầu xử lý rác thải của người dân tại các làng nghề và các địa phương lân cận. 
Trước mắt, các địa phương tích cực đẩy mạnh các hoạt động môi trường xanh. Theo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên, hiện 88% chất thải, nước thải toàn huyện đã được thu gom và xử lý; 100% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bên cạnh, địa phương cũng tích cực trồng cây, hoa, tổ chức vẽ bích họa... để tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp cho cộng đồng người dân.
Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của địa phương là nguồn kinh phí bị động, phụ thuộc vào ngân sách. Do đó hầu hết các địa phương chỉ có thể tổ chức thu gom, vận chuyển toàn bộ rác thải làng nghề tồn đọng đi xử lý tạm chứ chưa thể đưa ra những giải pháp triệt để như xây dựng lò đốt rác. Tại các huyện như Ứng Hòa, Thường Tín hay làng gốm Bát Tràng... thì ô nhiễm môi trường vẫn là bài toán khó. 
Ðể giúp các địa phương chủ động trong xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách trong công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài, dự án để đánh giá ô nhiễm làng nghề. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 235/2015/KH-UBND về công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. 
Ngoài ra, thành phố phê duyệt Ðề án Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. UBND thành phố ban hành quy định về bảo vệ môi trường làng nghề theo sáu nhóm ngành, nghề sản xuất chính: thủ công mỹ nghệ (gốm, sứ, thủy tinh mỹ nghệ, chạm khắc, sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ); chạm mạ vàng, bạc, thêu, ren; chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da; vật liệu xây dựng và khai thác đá, tái chế phế liệu; nghề khác (sản xuất nông cụ như cày bừa, đóng thuyền, làm quạt giấy...). Các văn bản, quy định này đang được triển khai thực hiện một cách đồng bộ nhằm hỗ trợ chính quyền các cấp nói chung và mỗi làng nghề nói riêng tích cực hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
Theo kế hoạch đã được Sở Công thương Hà Nội đề xuất, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ dành khoản kinh phí trị giá 1.350 tỷ đồng để xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề. Cụ thể, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030, dành 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.
Hạnh Phúc