Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 04:31 GMT+7

Sản xuất bền vững

Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững

20/03/2024

Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ đang dần nở rộ và phát triển một cách nhanh chóng tại Việt Nam. Bằng chứng là ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh nông sản hữu cơ, trồng trọt hữu cơ với đa dạng các loại cây trồng. 
Tạo mọi điều kiện phát triển nông nghiệp hữu cơ
Trên thực tế, phát triển nông nghiệp hữu cơ đã và đang gia tăng liên tục trong những năm qua và có xu hướng tiếp tục tăng cao. Bởi sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ "khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn". Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5-3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng hơn 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2-3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5-3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản… Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều địa phương đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân.
Điển hình như mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng, Hà Nội) là một trong 125 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của toàn quốc. Với 5ha trồng đa dạng các loại rau, củ, hiện trung bình mỗi ngày hợp tác xã thu hoạch từ 2 - 4 tấn rau xanh với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Giá trị thu nhập bình quân của hợp tác xã đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm; thu nhập của mỗi thành viên tham gia hợp tác xã đạt trung bình 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Giám đốc Hợp tác xã Đặng Thị Cuối chia sẻ: "Với số vốn gần 7 tỷ đồng, trên diện tích hơn 5ha, hợp tác xã đã đầu tư 7.000m2 nhà màng, áp dụng sản xuất CNC và không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất nông nghiệp, đến nay quy mô đã tăng gấp 3 lần, với nhiều loại cây trồng khác nhau. Năm 2021, hợp tác xã đã thành công lớn với mô hình trồng nho hạ đen mở ra hướng mới trong phát triển nông nghiệp CNC gắn với du lịch sinh thái".
Bà Đặng Thị Cuối đang chăm sóc vườn rau hữu cơ
Hay đối với Vĩnh Phúc, những năm qua, tỉnh  đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800 ha tại 71 xã, phường, thị trấn; mô hình hữu cơ trên cây ba kích với và liên kết sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trên diện tích 4 ha tại huyện Tam Đảo; mô hình trồng nho Hạ đen tại huyện Yên Lạc và Bình Xuyên. Nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng đã được hình thành như: cùng trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ tại huyện Lập Thạch; vùng trồng rau su su theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Đảo; vùng trồng lúa gạo theo hướng hữu cơ tại các huyện: Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương; chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại các huyện: Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch và Yên Lạc…
Để tiếp thêm động lực, tạo sức lan tỏa phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đề án "Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2025".
Trong năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sẽ dành hơn 47 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 9,4 tỷ đồng để xây dựng các mô hình điểm và hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát, lựa chọn cơ sở sản xuất tham gia mô hình là các đơn vị, tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư, điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, có khả năng tổ chức và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Mô hình trồng thanh long đỏ theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)
Hay một loạt các địa phương khác: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lâm Đồng, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh… cũng đã và đang không ngừng nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, góp phần thiết thực trong nhân rộng và lan tỏa sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Có thể thấy, sự nâng cao chất lượng và mức sống đã khiến cho nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhiều. Ngành sản xuất hữu cơ tại Việt Nam đang được nhiều người quan tâm đón nhận. Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ được nhà nước đầu tư đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây và cả định hướng trong tương lai.
Hương Trà