Lào Cai nhờ gắn thu hút đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, xuất khẩu với các doanh nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao của Lào Cai đã có sự bứt phá.
Phát huy lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, Lào Cai đã và đang ưu tiên phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ. Năm 2021, Lào Cai có 737 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP (trong đó 200 ha chè tại Bảo Yên; 215 ha chuối, 10 ha dứa ở Bảo Thắng; 212 ha quýt ở Mường Khương và 100ha rau); diện tích đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế là 4.185 ha, trong đó có 3.503 ha quế, 685 ha chè. Năm 2021, Lào Cai cũng đã có 140,2 ha dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO;
Vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, có liên kết tiêu thụ, chế biến với doanh nghiệp tại huyện Bắc Hà. Ảnh: Lưu Hòa.
Đến nay, Lào Cai có 162 hợp tác xã (HTX), 101 tổ hợp tác hoạt đông trong lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động, trong đó có 1 HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ (có sản phẩm được chứng nhận hữu cơ), hơn 40% các tổ hợp tác, HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp và 2.556 hộ gia đình tham gia sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Thông qua các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, Lào Cai đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, điển hình là liên kết giữa Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà và Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam với 32 tổ nhóm sản xuất và kinh doanh quế tại 2 huyện Bắc Hà và Văn Bàn.
Thông qua 2 doanh nghiệp này, các sản phẩm quế của Lào Cai đã xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... với sản lượng trung bình trên 2.000 tấn quế hữu cơ mỗi năm. Bên cạnh đó, một số sản phẩm chè chất lượng cao, điển hình như sản phẩm chè hữu cơ với diện tích 655 ha tại xã Bản Liền (huyện Bắc Hà) cũng đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Canada.
Sản phẩm chè ô long của Công ty chè Lợi Sơn Điền tại Thị xã Sa Pa được chế biến xuất khẩu 100% sang thị trường Đài loan, Trung Quốc. Liên kết sản xuất chè hữu cơ của Công ty Cổ phần chè Cao Sơn và HTX Chè Bản Liền trung bình mỗi năm xuất khẩu trên 800 tấn chè khô sang các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Canada...
Vùng trồng quế theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với chế biến, xuất khẩu tại xã Nậm Tha huyện Bắc Hà. Ảnh: Lưu Hòa.
Cùng với việc thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản hữu cơ, Lào Cai đặc biệt chú trọng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nói chung và các sản phẩm hữu cơ nói riêng.
Thời gian qua, Sở NN-PTNT Lào Cai phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Điển hình như kết nối tiêu thụ mận và sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Lào Cai trong điều kiện dịch bệnh Covid -19 trong năm 2021. Tại hội nghị này, đã tổ chức ký kết được 6 hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Lào Cai với một số đối tác tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội.
Ngoài ra, Lào Cai đã nỗ lực tìm kiếm, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua các kênh chợ đầu mối, các tỉnh lân cận, các chuỗi cửa hàng bán lẻ; hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đưa các sản phẩm nông sản an toàn lên sàn giao dịch thương mại điện tử….
Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam