Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:40 GMT+7

Sản xuất bền vững

Khuyến công Hà Nội: Hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh

05/08/2018

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp (DN) VN. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội đó không phải điều dễ dàng, nhất là đối với khu vực làng nghề - nơi vẫn còn không ít DN, cơ sở sản xuất theo phương thức đơn lẻ, thủ công, mạnh ai nấy làm…


Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu tại làng nghề Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội

Với cách thức hoạt động như vậy đã kéo dài suốt nhiều năm qua khiến các cơ sở, DN làng nghề không kịp thích ứng với quá trình hội nhập. Khó khăn nhất của các làng nghề hiện nay là tìm thị trường tiêu thụ. Bởi lẽ, sản phẩm của các làng nghề truyền thống có giá thành cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Điều này khiến cho sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam chưa thể đến nhiều với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Anh, Mỹ, Pháp, Đức... Hầu hết các làng nghề hiện nay vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, do thiếu thông tin nên việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ còn chậm. Đặc biệt là trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý tại các cơ sở, DN làng nghề chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế.
Nhận diện được những hạn chế đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (TTKC) xác định có ba hoạt động rất cần thiết trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN làng nghề, đó là thông tin, kết nối và tập huấn nâng cao năng lực. Chính vì vậy, thời gian qua, TTKC đã tổ chức nhiều lớp tập huấn khởi sự DN, hội nhập kinh tế quốc tế… cho các cơ sở sản xuất, DN làng nghề trên địa bàn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với quá trình hội nhập. Thông qua các lớp tập huấn này đã giúp các DN, cơ sở sản xuất nắm bắt được các chính sách pháp luật, chủ trương chính sách của Nhà nước về hoạt động khuyến công, trong đó có làng nghề. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất, DN làng nghề được trang bị thêm những kiến thức về lập kế hoạch, phát triển ý tưởng kinh doanh, nghiên cứu và phân tích thị trường, tổ chức quản lý nhân sự, tổ chức vận hành DN, những vấn đề thị trường và marketing trong DN... Lớp tập huấn cũng dành thời gian để các học viên được trao đổi, thảo luận chia sẻ những kinh nghiệm, những giải pháp thiết thực khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quản trị kinh doanh.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn thường xuyên cung cấp cho các cơ sở , DN thông tin về luật pháp kinh doanh, nội dung cần biết trong các Hiệp định thương mại tự do mới, thông tin thị trường... Kết nối các cơ sở sản xuất, DN cùng ngành nghề thành mạng lưới để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng khai thác các cơ hội mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.
Hộ sản xuất tơ tằm tại làng nghề Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, T.P Hà Nội
Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc TTKC Hà Nội cho biết, năm 2018, khuyến công Hà Nội được giao nhiệm vụ triển khai sâu rộng công tác khuyến công, phát huy thế mạnh, tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) của thành phố. Trong đó, đưa công tác khuyến công trở thành động lực thúc đẩy và đạt giá trị sản xuất CNNT tăng 10%, với khoảng 98.000 tỷ đồng, giá trị sản xuất làng nghề tăng 10-12%, đạt khoảng 22.000 tỷ đồng… Phấn đấu có 450 - 500 lượt cơ sở sản xuất CNNT, làng nghề được hỗ trợ từ công tác khuyến công… Tổ chức cho khoảng 1.500 chủ cơ sở sản xuất CNNT tham gia 15 lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, thiết kế mẫu mã sản phẩm, quản trị doanh nghiệp. Qua đó, góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất làng nghề của TP Hà Nội sẽ chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Để hoàn thành kế hoạch đã đề ra, TTKC Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin cần và tăng cường hoạt động kết nối các cơ sở sản xuất, DN cùng ngành nghề. Đồng thời, từ nay đến cuối năm, TTKC sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý các DN lớn để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn kinh doanh… nhằm tăng sức cạnh tranh cho các cơ sở sản xuất, DN làng nghề, thích ứng với quá trình hội nhập, qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.
Với việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, DN làng nghề của TTKC Hà Nội, tin tưởng rằng, các cơ sở sản xuất, DN làng nghề sẽ nâng cao được năng lực sản xuất, cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 300 làng nghề được công nhận. Trong các làng nghề có khoảng hơn 8.000 doanh nghiệp, hợp tác xã; gần 175.000 hộ kinh doanh, tạo việc làm cho gần 900.000 lao động.
Theo Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng