Thông qua hệ thống thu hồi nhiệt dư để phát điện, Công ty CP Xi măng Sông Lam (thuộc Tập đoàn The Vissai) không chỉ đáp ứng 40% nhu cầu điện năng của nhà máy mà còn tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất, góp phần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.
Hiện nay, nhà máy Xi măng Sông Lam tiêu thụ khoảng 820 MWh điện mỗi ngày, tương đương 56 kWh cho mỗi tấn sản phẩm, cùng với hơn 2.000 tấn than mỗi ngày phục vụ hai dây chuyền sản xuất clinker. Để tiết kiệm năng lượng, công ty đã lắp đặt hệ thống nhiệt dư nhằm thu hồi nhiệt tại hai vị trí chính: khí nóng thải ra từ thiết bị làm mát clinker (lò AQC) và gió nóng từ tháp trao đổi nhiệt (lò SP). Nhờ đó, hệ thống này đã phát được hơn 103 triệu kWh điện, đáp ứng gần 40% tổng lượng điện tiêu thụ hàng năm của nhà máy (hơn 266 triệu kWh). Việc chủ động nguồn điện không chỉ giúp giảm chi phí đáng kể mà còn hạn chế sự phụ thuộc vào lưới điện quốc gia.
Bên cạnh giải pháp phát điện từ nhiệt thải, Xi măng Sông Lam còn triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng trong vận hành như: kiểm soát chặt chẽ hệ thống khí nén bằng cách tắt tại những vị trí không cần thiết và sử dụng hợp lý cho việc làm mát thiết bị; lắp đặt biến tần cho các thiết bị như quạt ID, quạt khí thải, quạt nghiền liệu, nghiền than để điều chỉnh tốc độ quay thay vì sử dụng van tiết lưu, giúp giảm đáng kể công suất tiêu thụ điện năng. Giải pháp này mang lại mức tiết kiệm trung bình khoảng 4 kWh cho mỗi tấn sản phẩm.
Xưởng phát điện nhiệt dư cung cấp 40% lượng điện năng tiêu thụ của nhà máy. (Ảnh: EVN)
Trong hệ thống chiếu sáng, toàn bộ bóng đèn hiệu suất thấp đã được thay thế bằng đèn LED có hiệu suất cao, giúp tiết kiệm khoảng 67.000 kWh điện mỗi năm, tương đương 102 triệu đồng. Đồng thời, việc sử dụng điều hòa tại các khu vực hành chính và trạm điện cũng được kiểm soát nghiêm ngặt: nhiệt độ được cài đặt ở mức từ 26 đến 28 độ C, tận dụng gió tự nhiên, chỉ sử dụng sau 8 giờ sáng và tắt trước khi hết ca 15 phút, các thiết bị điều hòa được bảo dưỡng thường xuyên nhằm đảm bảo hiệu suất hoạt động.
Đặc biệt, nhà máy đã tối ưu hóa sản xuất bằng cách dừng luân phiên các thiết bị trong khung giờ cao điểm nhằm giảm chi phí điện theo giá giờ. Giải pháp này không tốn chi phí đầu tư nhưng giúp công ty tiết kiệm khoảng 64 tỷ đồng tiền điện mỗi năm. Trong việc sử dụng than, Xi măng Sông Lam đã thay thế vòi đốt cũ bằng loại vòi đốt mới có hiệu suất cao hơn, giúp giảm khoảng 4% lượng tiêu hao than trên mỗi tấn clinker.
Cùng với các giải pháp kỹ thuật, công ty còn chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng trong nội bộ. Ban lãnh đạo đã ban hành các quy định cụ thể gửi đến từng phòng ban, phân xưởng, khuyến khích cán bộ công nhân viên thực hành tiết kiệm trong từng thao tác vận hành.
Với chiến lược kết hợp giữa đầu tư công nghệ, tối ưu quy trình và nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, Công ty CP Xi măng Sông Lam đang trở thành điểm sáng trong ngành xi măng về hướng đi sản xuất xanh, hiệu quả và bền vững. Những giải pháp thiết thực đang giúp doanh nghiệp không chỉ tiết giảm chi phí đáng kể mà còn góp phần giảm phát thải và bảo vệ môi trường trong dài hạn.
Tuệ Lâm