Sức sống làng nghề
Thị trấn Thanh Lãng có gần 2.000 hộ làm nghề với hơn 6.000 lao động. Giá trị sản phẩm kinh doanh từ nghề mộc truyền thống chiếm gần 60% tổng sản phẩm ở địa phương. Hiện tại, trên địa bàn thị trấn tập trung hàng chục doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nghề mộc, thị trường rộng mở từ Bắc vào Nam. Thậm chí một số sản phẩm đồ gỗ cao cấp có mặt ở nước bạn Lào, Campuchia đã khẳng định nét đặc trưng của nghề mộc Thanh Lãng.
Theo các cụ cao niên Thanh Lãng kể lại, nghề mộc Thanh Lãng đã ra đời và phát triển hàng trăm năm qua. Mấy chục năm trước, sản phẩm mộc ở Thanh Lãng khá đơn điệu, đơn giản nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đại đa số người dân địa phương với giá rẻ. Chính vì thế mà đời sống người dân rất khó khăn, bà con phải bám chặt ruộng đồng hay phiêu bạt khắp nơi làm đủ mọi nghề để sinh sống. Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, những người thợ mộc Thanh Lãng vô cùng chật vật vì thiếu thị trường, thiếu việc làm. Để tồn tại, người dân làm mộc đã cùng nhau thành lập những tổ hợp sản xuất mộc; đồng thời, tích cực đầu tư máy móc, phát triển ngành nghề, tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm mộc ở Thanh Lãng không những đẹp về kiểu dáng, mẫu mã mà còn đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật, mỹ thuật, ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Không ít gia đình đã mở xưởng, mua trang bị máy móc hiện đại lên tới cả tỷ đồng để phát triển sản xuất nghề truyền thống. Trừ chi phí, hàng năm nhiều gia đình thu lãi hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.Vì thế, uy tín của làng mộc Thanh Lãng ngày càng được nâng cao. Ngoài ra, toàn thị trấn còn có gần 1.000 lao động đi làm nghề mộc trên khắp cả nước; trong đó, có khoảng 200 người mở xưởng mộc ở các tỉnh như Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nội, Gia Lai, Tp. Hồ Chí Minh... tạo việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa bàn các tỉnh, thành với mức thu nhập của lao động thợ có kinh nghiệm từ 200.000 đến 300.000 đồng/người/ngày.
Anh Lưu Quốc Hưng, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp Hưng Hoa cho biết, dù là con nhà nòi nhưng anh vẫn bỏ nhiều năm đi làm thuê cho nhiều xưởng mộc lớn trong và ngoài tỉnh để học hỏi thêm về mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường. Sau đó, anh mạnh dạn mở xưởng sản xuất và xây dựng Trung tâm trưng bày sản phẩm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hưng còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động, với mức lương từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Anh Hưng khẳng định: sản phẩm mộc Thanh Lãng luôn có nét đặc trưng riêng, là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, các sản phẩm luôn được làm với mẫu mã và chất lượng tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, các sản phẩm làng nghề được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường ngày càng mở rộng. Nhiều sản phẩm nổi tiếng như sập gụ, tủ, bàn ghế đã được các thợ kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, hài hòa, tinh tế. Sản phẩm sập gỗ mỹ nghệ có giá phổ biến từ 30 đến 40 triệu đồng/chiếc; bộ bàn nghề mỹ nghệ dành cho phòng khách có giá phổ biến từ 25 đến 30 triệu đồng/bộ.
Cũng theo anh Hưng, không phải ai sinh ra ở làng mộc truyền thống cũng theo được nghề, bởi làm nghề mộc ngoài cần cù, chịu khó thì điều quan trọng nhất vẫn là sự sáng tạo. Để thương hiệu mộc Thanh Lãng tiếp tục vươn xa, nhiều năm qua, thị trấn Thanh Lãng đã phối hợp với các ngành liên quan mở nhiều lớp đào tạo, nâng cao tay nghề chạm khảm, khắc gỗ cho hàng ngàn thợ trẻ. Trung tâm khuyến công Vĩnh Phúc cũng thường xuyên hỗ trợ mở lớp dạy nghề cho Thanh Lãng và các nghề khác trong tỉnh. Chỉ cần được học và thực hành trong khoảng 6 tháng thì các em có thể chạm khắc được một số sản phẩm thông dụng nhất; còn với những sản phẩm cần kỹ nghệ cao thì phải thêm thời gian và kinh nghiệm. Bởi vậy, nghề mộc rất cần những người thợ có tố chất cẩn thận và tỉ mỉ. Được biết, nhiều năm nay, tổng doanh thu từ nghề mộc đem lại cho thị trấn Thanh Lãng luôn đạt trên 100 tỷ đồng. Những thành tựu vượt bậc của nghề truyền thống đang làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương.
Giữ gìn môi trường để phát triển bền vững
Vấn đề khó khăn nhất hiện tại là giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường, tạo bước đi bền vững cho làng nghề. Bởi lẽ, việc đẩy mạnh làng nghề phát triển đã kéo theo khối lượng chất thải hàng ngày rất lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường xung quanh, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước và không khí. Một số xưởng sản xuất hoạt động xen kẽ trong các khu dân cư, xả thải ra môi trường lượng lớn bụi gỗ, bụi sơn, các phế phụ phẩm nghề mộc như gỗ đầu mẩu, mùn cưa, vỏ bào… gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Nhằm giảm thiểu tối đa về ô nhiễm môi trường làng nghề, Thanh Lãng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp làng nghề với diện tích gần chục ha. Các hộ sản xuất quy mô lớn trong các làng được ra tập trung sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường và tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân địa phương. Hiện nay, Thanh Lãng đang tích cực đầu tư, nâng cấp hệ thống cống rãnh, bảo đảm dòng chảy thông suốt. Người dân cũng đã ý thức được việc giữ vệ sinh môi trường, tự giác khơi thông cống rãnh, kênh mương dẫn nước thải, thường xuyên thu dọn khu vực nhà mình, nhất là những gia đình ở mặt đường. Các xóm đều thành lập đội dọn vệ sinh, thường xuyên tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức tự giác, tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất lớn có phương án xử lý chất thải ngay tại cơ sở, không làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Vào những ngày giáp Tết, không khí lao động sản xuất Thanh Lãng đang khẩn trương hơn bao giờ hết. Các sản phẩm được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết là sập thờ, tủ thờ, án gian, ngai thờ và đèn nến. Trên con đường trục chính của làng, những chiếc xe tải chở sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đang hối hả vào ra. Các sản phẩm của làng nghề hiện đang được nhiều người dân ưa chuộng qua từng đường nét sắc sảo, tinh tế, được chạm khắc trên những bộ bàn ghế, cánh cửa, đồ thờ tự, đồ trang trí, sập... bảo đảm về kỹ, mỹ thuật với các chất liệu gỗ xoan, mít, gụ, hương, trắc, cẩm lai... Để kịp hoàn thành sản phẩm giao khách hàng, những người thợ phải làm việc tích cực hơn bình thường, nhưng không vì thế mà chất lượng, mẫu mã sản phẩm bị xem nhẹ, bởi mỗi sản phẩm được hoàn thành bảo đảm về chất lượng, đẹp mắt sẽ tạo uy tín và thương hiệu vững bền cho cơ sở.