Ngày 13/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Vicem Hạ Long biến chất thải thành nguyên liệu đầu vào

08:46 - 08/07/2023
Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hạ Long đặt mục tiêu trong năm 2023 nâng tỷ lệ đốt rác thải tạo nhiệt trong sản xuất lên khoảng 10 - 20%.
Là một trong những đơn vị có bước chuyển đổi mạnh mẽ của ngành Xi măng, Công ty CP Xi măng Vicem Hạ Long đã áp dụng đa dạng các giải pháp tận dụng chất thải để làm nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, từ năm 2015, Vicem Hạ Long đã tập trung nghiên cứu sử dụng tro bay, tro xỉ nhiệt điện, tro xỉ thép làm phụ gia sản xuất xi măng. 
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2020, Vicem Hạ Long đã đưa vào sản xuất thử nghiệm bùn thải từ các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để thay thế một phần đất sét. Được biết, năm 2022, đơn vị đã đưa vào sử dụng 20.000 tấn bùn thải, khoảng 8.000 tấn rác thải các loại của các Khu Công nghiệp để thay thế cho đất sét và 5 - 10% lượng than cám (tương đương khoảng 6.000 tấn than cám).
Dây chuyền xử lý rác thải thay thế cho đất sét và than cám trong sản xuất clinker tại Công ty CP Xi măng Vicem Hạ Long (Ảnh: Công thông tin Quảng Ninh)
Đây là những nguồn tài nguyên có hạn và chiếm phần lớn chi phí đầu vào trong sản xuất clinker. Việc tiết giảm tối đa được chi phí sản xuất trong khi giá thành sản phẩm và nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trở thành một trong những giải pháp cốt lõi để giúp Công ty vượt qua những khó khăn trong thời gian 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, đảm bảo công việc và thu nhập ổn định cho người lao động.
Từ hiệu quả nhờ tận dụng tối đa các nguyên liệu thay thế, Công ty CP Xi măng Vicem Hạ Long đặt mục tiêu trong năm 2023 nâng tỷ lệ đốt rác thải tạo nhiệt trong sản xuất lên khoảng 10 - 20%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Xi măng Hạ Long dự kiến đầu tư thêm khoảng 20 - 30 tỷ đồng đầu tư dây chuyền, hạ tầng thu gom, xử lý rác thải theo những công nghệ mới nhất.
Việc tận dụng các nguồn chất thải trong sản xuất xi măng, clinker là giải pháp có nhiều lợi thế, giúp xử lý triệt để chất thải nguy hại. Đặc biệt, khi tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao (trên 1.000°C) trong dây chuyền sản xuất, tất cả các loại khí độc đều bị phân hủy. Điều này cho thấy, việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho chính bản thân doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và các đối tác kinh doanh. 
Đặc biệt, việc xanh hóa ngành Xi măng là một phần hiện thực hóa của doanh nghiệp và của tỉnh trong cắt giảm khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của tỉnh Quảng Ninh trong chung tay giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050. Đồng thời, hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030.
Tuệ Lâm