Ngày 01/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Ngành thép chuyển đổi sản xuất xanh hơn

08:25 - 08/04/2024
Hiện cả nước có trên 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất gang thép, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho xã hội. Song, do đặc thù của ngành là sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch (than) nên lượng phát thải khí CO2 ra môi trường rất lớn.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL): Ngành thép Việt Nam đang từng bước nỗ lực chuyển đổi, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tận dụng nhiệt thừa trong quá trình sản xuất để phát điện... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành thép vẫn là một ngành có phát thải khí nhà kính và tác động tới môi trường. Theo tính toán của chuyên gia, ngành thép chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và khoảng 46% các quá trình công nghiệp.
Khảo sát của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tại một số công ty sản xuất thép như Formosa... cho thấy, để sản xuất ra 10 triệu tấn thép, các nhà máy phát thải ra môi trường khoảng 21 triệu tấn khí CO2. Việc sử dụng than luyện cốc chính là nguồn phát thải lớn nhất trong các nhà máy sử dụng công nghệ BOF. Phần lớn phát thải và tiêu thụ năng lượng do các nhà máy sử dụng công nghệ lò thổi ôxy BOF chiếm 77% tổng phát thải trong năm 2018 và có thể tăng lên 92% năm 2025.
Ông Nghiêm Xuân Đa khẳng định: Việc chuyển đổi sản xuất thép từ "thép xám" sang "thép xanh" là xu thế không thể dừng lại và không nằm ngoài chủ trương phát triển ngành công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý trong nước và thị trường quốc tế.
Chuyển đổi để tăng trưởng xanh trong ngành công nghiệp sản xuất thép là xu hướng tất yếu.
Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) Phạm Công Thảo, việc chuyển đổi từ hệ thống sản xuất truyền thống sang mô hình bền vững rất cần thiết để bảo vệ môi trường tương lai cho thế hệ tiếp theo. Nhận thức rõ ngành thép chiếm một lượng đáng kể trong việc phát thải khí CO2 ra môi trường, VNSTEEL đã xây dựng một chiến lược lâu dài để thích nghi, ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất việc phát thải CO2. Hiện 82% sản lượng thép thô của hệ thống VNSTEEL được nung từ lò điện và 18% từ lò cao, được sản xuất tập trung vào hạ nguồn nên lượng phát thải ra môi trường của VNSTEEL không cao hơn so với bình quân của các doanh nghiệp ngành thép.
VNSTEEL cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 giảm 5-10% phát thải carbon ra môi trường, tập trung vào tối ưu hóa vận hành nhằm giảm phát thải. Còn để giảm nhiều lượng phát thải, tiến tới không phát thải, VNSTEEL sẽ cần có sự đột phá lớn về công nghệ, trong khi vấn đề tiêu hao, phát thải của doanh nghiệp hiện vẫn còn hạn chế bởi một số thiết bị đã cũ và lạc hậu, nếu nâng cấp, thay thế ngay sẽ cần chi phí rất lớn.
Sản xuất thép cuộn cán nóng tại nhà máy của Tập đoàn Hoà Phát.
Với vị thế là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết, Hòa Phát sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các loại thép công nghệ cao, thép đặc biệt phục vụ ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô, đóng tàu, thép kết cấu,… Đây cũng là các hướng phát triển sản phẩm của dự án Dung Quất 2 và các dự án sau này. Đồng thời, Hòa Phát luôn quan tâm tối ưu hóa tất cả các khâu sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh, giảm phát thải CO2 theo định hướng chung của Chính phủ, hướng đến mục tiêu trung hòa cac-bon vào năm 2050. 
Hiện nay, Hòa Phát đã và đang thực hiện 8 hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Đào tạo và thực hành cho cán bộ, công nhân viên công ty theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, kiểm toán năng lượng; Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Sử dụng nhiệt dư khí nóng lò cốc sản xuất điện; Áp dụng công nghệ dập cốc khô CDQ để sản xuất điện; Sử dụng nhiệt dư sản xuất điện trong thiêu kết; Tận dụng cán nóng từ đúc sang cán sử dụng lò nung; Sử dụng công nghệ tuabin thu hồi năng lượng gió lò cao (BPRT); Thay đổi phương thức vận chuyển nguyên liệu bằng băng tải thay ôtô, trồng cây xanh giúp hấp thụ khí CO2
Có thể thấy, thép "xanh” không chỉ là một xu hướng, mà còn là một bước đi cần thiết để bảo vệ môi trường và tạo ra một ngành công nghiệp thép bền vững trong tương lai.
Từ 01/10/2023, các doanh nghiệp thép xuất khẩu sang EU phải thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu, trước mắt là thực hiện Báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính.
Anh Thư