Hãng đồ chơi Lego (Đan Mạch) vừa chính thức khánh thành nhà máy trị giá 1 tỷ USD (tương đương khoảng 906 triệu euro) tại tỉnh Bình Dương, với cam kết sản xuất đồ chơi không phát thải khí nhà kính, hoàn toàn sử dụng năng lượng sạch.
Đây là nhà máy đầu tiên của Lego tại Việt Nam và thứ hai tại châu Á, đồng thời cũng là cơ sở sản xuất đầu tiên trong nước hướng tới vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo, mục tiêu dự kiến đạt được vào đầu năm 2026.
Nhà máy đóng vai trò quan trọng trong chiến lược dài hạn của Lego nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trước mắt, tập đoàn này đặt mục tiêu giảm 37% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2032. Tại nhà máy mới, Lego ứng dụng công nghệ robot hiện đại trong dây chuyền sản xuất các viên gạch đồ chơi với độ chính xác tới một phần mười sợi tóc. Toàn bộ quá trình đóng gói cũng được tự động hóa, vận hành bởi hàng ngàn công nhân kỹ thuật, phần lớn trong số đó đã được đào tạo tại nhà máy Lego đặt tại Trung Quốc.
Nhà máy LEGO Việt Nam tại Bình Dương (Ảnh: thanhnien.vn)
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sự xuất hiện của một nhà máy vận hành bằng năng lượng sạch với 12.400 tấm pin mặt trời và hệ thống lưu trữ điện quy mô lớn được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu cho sản xuất công nghiệp bền vững. Nhà máy mới của Lego có quy mô tương đương 62 sân bóng đá. Với thiết kế hiện đại và định hướng phát triển bền vững, cơ sở này được xem là mô hình tiên phong cho các nhà máy quy mô lớn có thể vừa vận hành hiệu quả, vừa thân thiện với môi trường.
Bên cạnh nhà máy sản xuất, Lego sẽ xây dựng thêm một trung tâm phân phối đặt tại tỉnh Đồng Nai nhằm phục vụ các thị trường như Australia và nhiều quốc gia châu Á khác. Theo ông Christiansen, việc đặt nhà máy gần các thị trường tiêu thụ giúp hãng tiết kiệm chi phí hậu cần và tránh được những tác động từ các chính sách thuế quan, từng được áp dụng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông cũng cho biết, năm tòa nhà chính của nhà máy đều được xây dựng theo tiêu chuẩn cao về hiệu quả năng lượng.
Lãnh đạo Trung ương và địa phương tham quan Nhà máy LEGO tại Bình Dương (Ảnh: thanhnien.vn)
Lego cũng sẽ tận dụng cơ chế mua điện trực tiếp (DPPA) vừa được Việt Nam ban hành năm 2024, cho phép doanh nghiệp nước ngoài mua điện từ các nhà máy điện mặt trời và điện gió mà không cần thông qua các đơn vị phân phối trung gian. Phần lớn điện năng sẽ được lưu trữ tại trung tâm năng lượng liền kề nhà máy, đảm bảo hoạt động liên tục ngay cả khi không có ánh nắng. Khoảng 10-20% còn lại sẽ được cung cấp thông qua các thỏa thuận riêng với các nhà sản xuất năng lượng sạch khác.
Đáng chú ý, Lego đã trồng hơn 50.000 cây xanh để bù đắp cho số cây đã bị chặt trước khi xây dựng nhà máy. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của Lego thay thế túi nhựa dùng một lần bằng túi giấy trong công đoạn đóng gói sản phẩm.
Trong chiến lược phát triển dài hạn, Lego đã đầu tư hơn 1,2 tỷ USD (khoảng 1,09 tỷ euro) để nghiên cứu vật liệu thân thiện hơn với môi trường nhằm thay thế nhựa từ dầu mỏ – nguyên liệu chính trong sản xuất gạch đồ chơi. Hiện tại, khoảng một phần ba nguyên liệu sản xuất đã đến từ nguồn tái chế và tái tạo, dù chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với nhựa truyền thống. |
Tuệ Lâm