Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 14/05/2025 | 01:39 GMT+7

Sản xuất bền vững

Hiệu quả năng lượng - Nền tảng của sản xuất thép bền vững

23/04/2025

Công ty TNHH NatSteelVina (Thép Việt - Sing)  đang từng bước khẳng định hình mẫu về chuyển đổi xanh trong công nghiệp luyện kim.
Được thành lập từ năm 1995, NatSteelVina từng là liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn NatSteel Holdings (Singapore). Từ năm 2019, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thái Hưng tiếp nhận toàn bộ phần vốn nước ngoài và trở thành cổ đông chi phối. Kể từ đó, NatSteelVina đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tái cấu trúc hệ thống quản trị và xây dựng chiến lược phát triển gắn với mục tiêu tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và hội nhập xu thế kinh tế tuần hoàn. Trong suốt 30 năm phát triển, doanh nghiệp đã duy trì ổn định sản xuất với sản lượng thép cuộn và thép thanh dao động từ 140.000 đến gần 170.000 tấn mỗi năm, đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng trong nước.
Ngành thép vốn gắn liền với hình ảnh khói bụi, tiêu thụ năng lượng lớn và phát thải cao. Thế nhưng, Thép Việt - Sing đã cho thấy một hướng đi khác, khi biến tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường thành kim chỉ nam trong sản xuất.
Một trong những điểm sáng nổi bật tại NatSteelVina là hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 50001:2018. Sau quá trình tư vấn và đào tạo bởi các chuyên gia của tổ chức GIZ (Đức) và TUV-NORD Việt Nam, công ty chính thức được cấp chứng nhận vào đầu năm 2023. Kể từ đó, đơn vị đã áp dụng mô hình và triển khai nhiều dự án cụ thể trong kế hoạch hành động, từ kiểm toán năng lượng, giám sát tiêu thụ điện, dầu theo từng khu vực, đến đào tạo định kỳ cho cán bộ kỹ thuật và người vận hành.
Thép Việt - Sing là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép tại Việt Nam (Ảnh minh hoạ)
Dưới sự điều phối của Ban quản lý năng lượng, nhiều giải pháp kỹ thuật đã được triển khai như: nâng cấp hệ thống điều khiển quá trình cháy lò nung bằng tủ PLC, cải tạo hệ thống khí nén theo mô hình vòng kín, lắp biến tần cho các thiết bị tiêu hao lớn, thay thế vật liệu bảo ôn cho trần lò, sử dụng đèn LED trong toàn bộ nhà xưởng... Những cải tiến này giúp NatSteelVina giảm đáng kể chi phí vận hành. Điện năng tiêu thụ trên mỗi tấn sản phẩm đã giảm từ 97,97 kWh (năm 2015) xuống còn 91,43 kWh (năm 2023), tương đương mức tiết kiệm 6,67%. Tương tự, dầu FO phục vụ nung phôi cũng giảm 2,5% trong cùng giai đoạn.
Bảo ôn đường ống dầu FO cấp cho lò nung, chống thất thoát và duy trì nhiệt dầu từ các bộ sấy đến các mỏ đốt luôn lớn hơn 100 độ C, giúp việc hóa mù dầu tốt và đảm bảo quá trình cháy với hiệu suất cao nhất
Ngoài ra, công ty đã chủ động tham gia các dự án hợp tác quốc tế như Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP), Chương trình chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường carbon (VNPMR) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, gần đây là Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (DEPP3) với Chính phủ Đan Mạch.
Đặc biệt, năm 2024, NatSteelVina cùng chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu triển khai dự án cải tạo lò nung theo mô hình JCM – giải pháp hứa hẹn giúp giảm phát thải tới 30% nếu chuyển đổi thành công sang nhiên liệu LNG thay thế dầu FO. Công ty đã ký kết thỏa thuận hợp tác với đơn vị cung cấp LNG và đang nghiên cứu khả năng tận dụng hệ thống điều khiển hiện tại để rút ngắn thời gian thu hồi vốn cho dự án.
Thay thế dần các bóng sợi đốt 200W, 300W và các bóng cao áp halozen 400W lắp cho nhà xưởng bằng bóng đèn LED 150W, 200W.
Không dừng lại ở việc tiết kiệm năng lượng, NatSteelVina còn chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường tổng thể. Hệ thống xử lý nước thải công suất 400m³/giờ, quy trình quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, cơ chế thu gom và phun sương dập bụi trong khu vực nhà máy đều được vận hành chặt chẽ. Các giải pháp này đã giúp doanh nghiệp lọt vào top 50 thương hiệu vì môi trường năm 2015.
Tính đến nay, NatSteelVina là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành thép triển khai đồng thời kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018. Doanh nghiệp theo dõi định kỳ chỉ số phát thải, tích hợp việc tính toán phát thải vào kế hoạch sản xuất và định hướng đầu tư công nghệ. Công ty cũng đang xem xét lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho các khu vực phụ trợ nhằm tận dụng năng lượng tái tạo, giảm tải lưới điện quốc gia và tăng độ tự chủ năng lượng.
Sơ đồ hệ thống xử lý nước thải công suất 400m³/giờ
Thành công trong thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường tại NatSteelVina đến từ cách tiếp cận đồng bộ giữa chiến lược quản trị, đầu tư công nghệ và nâng cao nhận thức người lao động. Mỗi cải tiến kỹ thuật đều được lồng ghép với chương trình huấn luyện, khen thưởng – kỷ luật rõ ràng, tạo nên một văn hóa sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ cấp lãnh đạo đến công nhân vận hành. Công ty hiện duy trì các nhóm giám sát năng lượng nội bộ, kết nối qua mạng xã hội để kịp thời phát hiện và xử lý bất thường trong sản xuất.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo cam kết tại COP26, mô hình của NatSteelVina cho thấy một hướng đi rõ ràng, khả thi và mang lại hiệu quả thực tế. Đây là minh chứng sống động cho thấy sản xuất công nghiệp hoàn toàn có thể đồng hành cùng bảo vệ môi trường nếu doanh nghiệp có đủ quyết tâm và tầm nhìn chiến lược.
Khánh Chi