Ngày 01/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Muốn bán được hàng bắt buộc phải chuyển đổi xanh

16:36 - 12/04/2024
Đây là thời điểm bắt đầu làn sóng mới “Net Zero”, cho nên doanh nghiệp cũng phải có sự chuẩn bị để bước vào cuộc đua nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Không làm sẽ bị loại khỏi cuộc chơi
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phan Thành Đức – Tổng giám đốc Công ty may mặc Bình Dương, cho biết, cách đây 5 năm công ty đã bàn đến việc chuyển đổi sang hướng sản xuất xanh. 
“Thực tế, đây là xu hướng chung của cả thế giới, mình muốn bán được hàng bắt buộc phải chuyển đổi, không thể làm khác được”, ông nói.
Theo lãnh đạo DN này, sản phẩm may mặc của công ty đa phần xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ. Những nhà nhập khẩu này có hệ thống nhà cung cấp tại khắp các quốc gia ở Đông Nam Á. Thế nên, khi họ đưa ra những tiêu chuẩn xanh với sản phẩm, công ty không làm thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi này. 
"Xanh hóa" mới giúp hàng Việt vào các thị trường có tiêu chuẩn môi trường cao. 
Ông Phan Thành Đức cũng cho biết, tiêu chuẩn xanh đang được đối tác đề cập nhiều hơn khi đàm phán hợp đồng mua bán nên doanh nghiệp cũng phải xanh hoá đầu vào và đầu ra. Ví như, lựa chọn các loại vải được nhuộm bằng nguyên liệu hữu cơ thay cho vải nhuộm bằng nguyên liệu hoá học; chọn các loại sợi tái chế; phụ liệu thay vì bằng nilon giờ chuyển sang giấy thân thiện môi trường…
“Công ty đang hoàn thiện kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy mới theo hướng xanh hoàn toàn. Từ nguyên liệu đầu vào, rác thải… cho đến sử dụng năng lượng tái tạo”, ông Đức cho hay.
"Làn sóng" chuyển đổi xanh không phải chỉ trong ngành sản xuất, các ngành dịch vụ cũng đứng trước áp lực phải thay đổi để thích ứng.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Hải Phòng cho rằng: Tại hội nghị COP26, Chính phủ cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050. Từ nay đến thời điểm đó tuy dài nhưng các khách hàng cao cấp đến từ Mỹ, châu Âu đã cam kết Net Zero sớm hơn vào năm 2030. Vì vậy, từ thời điểm này chúng ta phải phát triển bền vững để vừa cạnh tranh các nước trong thu hút FDI vừa cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước. Doanh nghiệp nào đi sớm, đi nhanh trong phát triển bền vững sẽ có nhiều cơ hội hơn để thu hút khách hàng phân khúc cao hơn.
Các khu công nghiệp cũng phải "xanh"
Chia sẻ tại một hội thảo gần đây, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Trong các FTA này, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính.
Mục tiêu để phát triển công nghiệp bền vững cũng đã được đưa vào các cam kết về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Tương tự, chiến lược Quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26, là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Theo xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.
Trao đổi với PV.VietNamNet, đại diện Becamex IDC – một trong những nhà đầu tư khu công nghiệp lớn nhất tại tỉnh Bình Dương, nhìn nhận, thời điểm hiện tại bắt đầu làn sóng mới “Net Zero”. Thế nên, doanh nghiệp cũng phải có sự chuẩn bị để bước vào cuộc đua nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. 
Trung tâm điều hành thông minh IOC của Becamex
Theo đó, doanh nghiệp đưa ra chiến lược xây dựng hệ sinh thái công nghiệp đô thị xanh, thông minh dựa trên các tiêu chí ESG cũng như hướng đến Net Zero. Bởi, xu thế toàn cầu hóa hiện nay chuyển sang phát triển bền vững cũng như thực hành kinh doanh có trách nhiệm. 
Trong hệ sinh thái, công nghiệp và đô thị xanh thông minh này sẽ tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng sạch; quản lý và vận hành khu công nghiệp theo hướng số hóa và thông minh hơn, hướng đến quản lý tập trung; tăng cường mảng xanh trong các khu; sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, hướng đến cộng sinh công nghiệp. Cuối cùng là công việc liên quan đến phục vụ cộng đồng, nâng cao nhận thức về Net Zero và phát triển bền vững. 
Với năng lượng sạch, công ty điện của Becamex VSIP sẽ cung cấp những giải pháp năng lượng sạch cho khách hàng của mình. Đồng thời, triển khai riêng các dự án thí điểm về hệ thống lưu trữ và năng lượng mặt trời áp mái. 
“Chúng tôi cũng đưa ra chiến dịch đóng góp một triệu cây xanh. Với những lộ trình cụ thể từng năm ở từng khu, 1 triệu cây xanh quy đổi có thể cắt giảm được khoảng 85.000 tấn CO2. Còn sử dụng nguồn năng lượng tái tạo ở trong hệ sinh thái Becamex tương ứng với gần 2 triệu tấn CO2 được cắt giảm mỗi năm”, vị đại diện này thông tin thêm.
Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai chia sẻ: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bắt đầu ý thức được việc này. Có khu công nghiệp ngay từ đầu đã thực hiện theo mô hình sinh thái theo nghị định số: 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Những khu công nghiệp cũ phải có lộ trình cho họ chuyển đổi dần.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, các doanh nghiệp thuộc nhóm phát thải cao trong các ngành công nghiệp nặng như sản xuất nhựa, thép, xi măng, hàng không… cũng đặt mục tiêu đưa phát thải về mức thấp nhất. Khi phát thải ra bao nhiêu thì doanh nghiệp phải mua lại lượng tín chỉ carbon tương ứng để cân bằng.
Ví như doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tạo ra lượng phát thải cao hơn định mức tương đương 1.000 tấn carbon thì phải trả thêm chi phí mua lại tín dụng carbon để bù trừ vào khoản phát thải cao hơn. Như vậy, cũng công bằng hơn với những ngành sản xuất hấp thụ được carbon như trồng rừng, sản xuất nông nghiệp sạch hơn. Đây là giải pháp tuyệt vời mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện để các ngành chung tay bảo vệ môi trường, cùng nhau phát triển theo hướng bền vững.
"Theo lộ trình của Chính phủ, sắp tới sẽ hình thành thị trường tín chỉ carbon để cho những doanh nghiệp hay tổ chức có nhu cầu tham gia mua - bán. Bởi, xu hướng tương lai, các thị trường sẽ áp dụng tiêu chuẩn xanh, bền vững và minh bạch. Sản phẩm không đáp ứng những tiêu chuẩn này sẽ không được tham gia thị trường giao thương", Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai lưu ý.
Theo: Vietnamnet.vn