Ngày 19/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Công nghiệp tại nhiều địa phương phát triển theo hướng bền vững

16:41 - 02/03/2022
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn phát triển kinh tế tại nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên trong thời kỳ bình thường mới việc tái cơ cấu kinh tế đã và đang được đẩy mạnh, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào việc phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường.
Tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo tính bền vững lâu dài 
Quảng Ninh chuyển mình trong công nghiệp chế biến, chế tạo bền vững
Đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP của tỉnh đạt 15% và tăng trưởng lên 30% vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần lệ thuộc vào tài nguyên khoáng sản, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường.
Bước sang năm 2022, Quảng Ninh định hướng sẽ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng “linh hoạt, đổi mới”, trước mắt là đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch để tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư. Cùng với đó, tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện các đề án xây dựng, phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, khu kinh tế ven biển Quảng Yên, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; đề án Phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; đề án "Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Thông qua các định hướng đúng đắn, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực mở cửa đón đầu làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nhờ đó, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các chỉ tiêu phát triển trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh vẫn được duy trì ở mức cao, cơ bản đều đạt và vượt so với mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 33,7%; quy mô ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP ước đạt 28.905 tỷ đồng, tăng 7.455 tỷ đồng so với năm 2020; chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo (IIP) tăng mạnh, đạt 34,35%, gấp 3,72 lần năm 2020; giá trị xuất khẩu hàng hóa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 2.100 triệu USD, tăng trên 250 triệu USD so với năm 2020, chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh…
Bắc Kạn định hướng và mục tiêu phát triển bền vững
Mục tiêu đến năm 2025 GDP khu vực công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân đạt trên 13%/năm; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng bình quân 17,61%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 50% toàn ngành công nghiệp và tỷ trọng ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh) đạt khoảng 5%. Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn của tỉnh, như: Chế biến gỗ và lâm sản, sản xuất ván công nghiệp chất lượng cao, các sản phẩm gỗ nội thất; sản xuất  chì - kẽm kim loại, đồng kim loại, hóa chất… và các sản phẩm từ kim loại chì, kẽm, miến dong, đồ uống (nước hoa quả, nước mía, rượu hoa quả…), dược liệu, chè Shan tuyết; sản xuất đá thạch anh nhân tạo, cát nhân tạo. 
Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu hình thành và phát triển được một số sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động trong khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh và trở thành động lực phát triển ngành công nghiệp, các ngành kinh tế của tỉnh. Đến năm 2030, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 70% toàn ngành công nghiệp và tỷ trọng ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong GRDP của tỉnh trên 10%.
Các sản phẩm từ nghệ của Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà, Bắc Kạn sản xuất, đang vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Những giải pháp phù hợp
Đồng chí Đinh Quang Tuyên- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong giai đoạn tới tỉnh Bắc Kạn tiếp tục quy hoạch, định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Xây dựng Phương án phát triển ngành công nghiệp, khu và cụm công nghiệp tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan đảm bảo thống nhất, đồng bộ. phát triển bền vững. Trong đó, định hướng vùng nguyên liệu gắn với hoạt động chế biến; phát triển hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất kim loại; phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề và du lịch dịch vụ. Rà soát, đề xuất Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan tập trung vùng nguyên liệu và quy hoạch hoạt động sản xuất kim loại chì, kẽm tỉnh Bắc Kạn tương xứng với tiềm năng và là trung tâm sản xuất kim loại chì, kẽm của cả nước.
Việc đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách đã được các tỉnh thành phố ban hành theo hướng rõ đối tượng, rõ nguồn lực thực hiện, bảo đảm các chính sách ban hành phát huy được hiệu quả, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh. Trong đó, tập trung các chính sách trong lĩnh vực công nghiệp như: Chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào khu, cụm công nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xúc tiến thương mại; chính sách về phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, phát triển theo định hướng dài hạn, bền vững đang là vấn đề luôn được các tỉnh thành phố đạt lên hàng đầu.
Đề xuất các chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn phù hợp với thực tế của địa phương về: Hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; miễn, giảm tiền sử dụng đất; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ chi phí để xây dựng công trình xử lý môi trường; hỗ trợ đào tạo lao động và đầu tư, chuyển giao công nghệ. Tiếp tục tập trung nguồn lực xã hội hóa và hỗ trợ một phần ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp để có mặt bằng sạch, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Chủ động rà soát, đánh giá và đề xuất kịp thời điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển các ngành phù hợp với thực tế, xu thế phát triển.
Với những giải pháp cụ thể về công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng, các tỉnh, thành phố kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư tiềm lực mạnh, uy tín, giàu kinh nghiệm; tạo nguồn lực mạnh mẽ để thúc đẩy địa phương phát triển trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến nền kinh tế bền vững.
Mạnh Lê Biên tập