Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 12/12/2024 | 06:33 GMT+7

Điển hình

Khuyến công khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Nỗ lực hướng tới sản xuất bền vững

06/12/2024

Thời gian qua, nhờ sự quyết tâm và các giải pháp đồng bộ, hoạt động khuyến công tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Những nỗ lực này đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy sản xuất bền vững và tuần hoàn.
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Năm 2023, tổng kinh phí khuyến công khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt 73,5 tỷ đồng, tương đương 93,5% kế hoạch. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng kinh phí khuyến công khu vực đã thực hiện được 33,8 tỷ đồng, đạt 52,03% kế hoạch. Các đơn vị khuyến công cũng đã tư vấn cho 76 dự án, đạt doanh thu gần 8 tỷ đồng, vượt 15,6% so với kế hoạch.
Tại Đà Nẵng, địa phương này đã dành 5,5 tỷ đồng cho khuyến công, trong đó phần lớn kinh phí được sử dụng cho mục đích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất sạch hơn. 
Nghiệm thu, bàn giao máy móc cho Công ty TNHH Sản phẩm thiên nhiên Adeva Naturals (Đà Nẵng). Ảnh: TTCT
Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, từ sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, các đơn vị đưa máy móc vào vận hành một cách tối ưu nhất. Đồng thời, tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng năng suất, chất lượng, chú ý bảo vệ môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến vấn đề xây dựng thương hiệu: như mẫu mã, nhãn mác, công bố các tiêu chuẩn sản phẩm…
Tại Phú Yên, Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng đã triển khai đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc trong chế biến nông, thủy sản. Đề án này không chỉ tạo thêm việc làm mà còn giúp tăng cường cạnh tranh cho sản phẩm địa phương.
Tương tự, tại Đắk Lắk, đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất nước đá viên tinh khiết đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.
Định hướng khuyến công 2025
Có thể khẳng định, hoạt động khuyến công ngày càng đóng vai trò quan trọng, tiếp tục là trợ lực vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và cả nước nói riêng.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, Cục Công Thương địa phương đã yêu cầu các Sở Công Thương và các tổ chức dịch vụ khuyến công xây dựng kế hoạch cho năm 2025, với các mục tiêu như hỗ trợ mô hình sản xuất công nghiệp nông thôn theo hướng tuần hoàn, sử dụng công nghệ cao và sản xuất sạch. Các đề án ưu tiên sẽ hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững. Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; ưu tiên các đề án có sản phẩm được bình chọn, cấp giấy chứng nhận cấp khu vực, quốc gia (giấy chứng nhận còn hiệu lực)…
Ngoài ra, chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý và tư vấn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, giúp họ nâng cao chất lượng sản phẩm và quản lý hiệu quả hơn.
Khuyến công đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, các tỉnh, thành phố trong khu vực sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua khó khăn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tuệ Lâm