Vừa qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phân loại CTRSH tại nguồn, từng bước thay đổi hành vi, thói quen, ý thức tự giác trong việc phân loại CTRSH tại nguồn ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu tổng lượng CTRSH thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đặt ra, UBND tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại CTRSH tại nguồn thông qua việc phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến CTRSH như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các quy định liên quan đến chế tài, xử lý vi phạm trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn đối với chủ nguồn thải CTRSH và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh. Tuyên truyền về nguyên tắc phân loại CTRSH tại nguồn; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH tại nguồn; việc lưu giữ, chuyển giao, tập kết CTRSH của chủ nguồn thải CTRSH. Tuyên truyền, hướng dẫn quy định về điều kiện nhân lực, thiết bị, phương tiện liên quan đến CTRSH từ phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế CTRSH.
UBND tỉnh Gia Lai cũng sẽ kiện toàn, sắp xếp và củng cố lại đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH để phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lực tài chính của địa phương.
Gia Lai triển khai phân loại CTRSH tại nguồn để sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Ảnh: nlsvn)
Các loại CTRSH sau khi phân loại sẽ được chứa, đựng trong bao bì, dụng cụ lưu chứa phù hợp. Cụ thể, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chứa trong các bao bì, dụng cụ lưu chứa phù hợp. Chủ nguồn thải CTRSH thu gom tối đa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế để chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH. Đối với chất thải thực phẩm, cần chứa đựng trong bao bì, dụng cụ lưu chứa phù hợp bảo đảm không rò rỉ nước, phát tán mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH. Chủ nguồn thải cần tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Riêng với chất thải rắn cồng kềnh, chủ nguồn thải phải tự tháo rã chất thải cồng kềnh để giảm kích thước trước khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn. Trường hợp chủ nguồn thải CTRSH tự thỏa thuận với đơn vị thu gom khác thì tự chi trả chi phí thu gom, vận chuyển theo thỏa thuận; Đối với chất thải nguy hại phải chứa đựng trong bao bì, dụng cụ lưu chứa phù hợp, đảm bảo an toàn cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn.
UBND cấp huyện căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, cân đối ngân sách, bố trí kinh phí để chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành các bãi chôn lấp CTRSH xây dựng phương án xử lý đối với từng loại chất thải sau khi được phân loại, thu gom theo đúng quy định. Kêu gọi đầu tư, triển khai xây dựng các nhà máy/khu xử lý CTRSH theo Quyết định 1750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025: - 100% các chủ nguồn thải CTRSH trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn. - Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 60% trở lên, ở xã đạt tỷ lệ 30%. - Tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý từ 90% trở lên. - Đối với các huyện/xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao: các chỉ tiêu về tỷ lệ CTRSH được thu gom xử lý, tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn được thực hiện theo Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 16/11/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 16/11/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 20/7/2022 của UBND tỉnh về việc Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 và các văn bản, quy định pháp luật khác có liên quan |
Tuệ Lâm