Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/12/2024 | 18:37 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Bình Dương phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững

11/10/2024

Ngay sau khi Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh Bình Dương đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu và ban hành Kế hoạch số 5132/KH-UBND ngày 03/10/2022 triển khai thực hiện Quyết định 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nâng cao năng lực
Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện nhiều chính sách lồng ghép nhiệm vụ phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; trong đó, có Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 08/9/2021 về ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Kế hoạch số 6613/KH-UBND ngày 22/12/2021 về tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2026; Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 02/6/2023 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện 4 mục tiêu cụ thể. Trong đó, tỉnh Bình Dương tập trung thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, năng lượng, nguyên vật liệu; khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, năng lượng, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; đồng thời, đề xuất các chính sách cụ thể, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả kinh tế tuần hoàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương theo hướng hiện đại và bền vững.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đã xây dựng và giao nhiệm vụ giảm thiểu khí nhà kính thuộc các lĩnh vực mũi nhọn như: công thương, nông nghiệp, giao thông vận tải, xử lý chất thải. Việc ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản pháp lý, cơ chế chính sách,... đã giúp công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo đúng định hướng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương. Việc đẩy mạnh hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã tạo điều kiện thuận lợi hình thành nên một môi trường kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh dẫn đầu trong phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Bình Dương cũng luôn quán triệt và đề cao các nhiệm vụ cải thiện chất lượng và giảm thiểu rác thải ra môi trường để làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh như: đầu tư Nhà máy sản xuất phân compost với công suất 2.520 tấn/ngày để tái chế chất thải sinh hoạt; Nhà máy đốt rác thải 200 tấn/ngày để phát điện với công suất 4,6MW; hệ thống thu hồi nhiệt từ các hố chôn lấp với công suất 1.600KVA; thu hồi tro, xỉ từ quá trình đốt chất thải để sản xuất gạch block, gạch vỉa hè; xây dựng 4 Nhà máy xử lý nước thải đô thị với tổng công suất là 87.000m3/ngày...
Hỗ trợ, kết nối
Bình Dương đã và đang tập trung xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất nhằm giảm thiểu lãng phí tài nguyên, tái sử dụng và tái chế nguyên liệu. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương có 2/22 doanh nghiệp được tặng Giải vàng Chất lượng Quốc gia và 1/27 doanh nghiệp được tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Cùng với đó, tỉnh Bình Dương cũng thường xuyên rà soát dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên theo Quyết định số 29/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phục vụ nhu cầu chuyển đổi, di dời ra khỏi khu dân cư; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận Chương trình Quốc gia về công nghệ cao và tìm kiếm chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Tỉnh Bình Dương tập trung phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững.
Hiện tại, tỉnh Bình Dương cũng đang định hướng quy hoạch và thành lập Khu Công viên Giáo dục - Khoa học Công nghệ trong thành phố mới Bình Dương và các giải pháp thực hiện Khu Khoa học Công nghệ BW Supply Chain (BWID) phục vụ nhu cầu nghiên cứu và chuyển đổi công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực thế mạnh đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, tuần hoàn. Tỉnh Bình Dương cũng đã phê duyệt thí điểm 8 tổ chức thực hiện Đề án thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, các Đề án được thực hiện trên định hướng sản xuất khép kín nhằm tận dụng tối đa các tài nguyên - đầu vào của mô hình này là sản phẩm đầu ra của mô hình khác - đây là nguyên tắc quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn của tỉnh.
Song song đó, tỉnh Bình Dương còn quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế chính sách, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, có Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bình Dương đã khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các dự án đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi của Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh, hạn mức vay ưu đãi tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh hợp tác
Về hợp tác song phương và đa phương, tỉnh Bình Dương đã thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị với 14 tỉnh, thành phố trên thế giới và là thành viên chính thức, là đối tác đáng tin cậy của 3 tổ chức quốc tế, bao gồm: Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF), Tổ chức Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA). Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương nước ngoài, Bình Dương đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp của các địa phương kết nghĩa, trong đó, có hợp tác quốc tế trong kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh việc trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong, ngoài nước giữa địa phương và các cơ quan đại diện nhằm đưa được thông tin, đặc biệt là thế mạnh của tỉnh Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung đến với các nước bạn trên thế giới và thông qua các cơ quan đại diện, Bình Dương cũng đã tăng cường tiếp cận, kết nối với các địa phương, đối tác kinh tế nước ngoài, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như: kinh tế xanh, kinh tế số, công nghệ sinh học, năng lượng mới, sản xuất chất bán dẫn.... Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng chủ động triển khai các nhiệm vụ giảm khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.
Đồng thời, tỉnh Bình Dương còn tổ chức rà soát, đánh giá sự phù hợp của các khu/cụm công nghiệp đối với định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng xanh hóa toàn cầu; chủ động ban hành chính sách chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu/cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào khu/cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo yêu cầu chỉnh trang, quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch các khu vực xử lý chất thải tập trung theo mô hình khu công nghiệp xử lý chất thải nhằm phát triển ngành công nghiệp xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại, kết hợp thu hồi năng lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực phát triển kinh tế tuần hoàn của tỉnh; đẩy mạnh hoạt động thúc đẩy sản xuất sạch hơn và các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Mặt khác, tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị triển khai các hoạt động chuyển giao ứng dụng vi sinh bản địa IMO vào xử lý rác thải sinh hoạt thành các sản phẩm phân hữu cơ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp hữu cơ thí điểm cho hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội, TP. Tân Uyên. Mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường; giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phải vận chuyển, xử lý; tăng cường tái sử dụng chất hữu cơ và tạo nguồn phân bón cho cây trồng, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sống và giữ gìn cảnh quang sạch đẹp.
Nguồn: Báo Tài nguyên Môi trường