Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 18/07/2025 | 15:20 GMT+7

Điển hình

Tòa nhà Netzero - Giải pháp kiến trúc cho mục tiêu tăng trưởng xanh

18/07/2025

Tòa nhà Netzero đang được xem là hướng đi đột phá của ngành xây dựng, khi kết hợp hài hòa giữa công nghệ tiết kiệm năng lượng và tư duy phát triển bền vững. Đây không chỉ là bước tiến về kỹ thuật, mà còn là giải pháp kiến trúc đồng hành cùng mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Khái niệm “Công trình Xanh” được Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) đưa ra nhằm chỉ những công trình được thiết kế và vận hành đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên và vật liệu; đồng thời giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường. Những công trình này không chỉ hướng đến sự bền vững mà còn góp phần cải thiện chất lượng sống, giảm ảnh hưởng xấu từ môi trường tới sức khỏe con người và hệ sinh thái tự nhiên.
Tại Việt Nam, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) định nghĩa: Công trình Xanh là công trình đạt hiệu quả vượt trội trong sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác; đồng thời giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và các tác động xấu đến môi trường. Các công trình này cũng được thiết kế nhằm bảo vệ sức khỏe người sử dụng, nâng cao chất lượng không gian sống và làm việc, từ đó góp phần thúc đẩy năng suất lao động và sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Thống kê lượng công trình đạt chứng chỉ xanh theo từng năm giai đoạn 2010-2024 (Theo: ardorgreen)
Theo số liệu tổng hợp từ các hệ thống chứng nhận công trình xanh như LEED (Mỹ), LOTUS (VGBC), EDGE (IFC/World Bank) và Green Mark (Singapore), tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã có 559 công trình xanh được chứng nhận, với tổng diện tích sàn lên tới 13,6 triệu mét vuông. Riêng trong năm 2024, số lượng công trình xanh mới được chứng nhận đã tăng gần gấp đôi so với năm 2023, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các chủ đầu tư đối với phát triển bền vững.
Một số công trình xanh tiêu biểu có thể kể đến như: Diamond Lotus Riverside (TP.HCM), khu đô thị Ecopark (Hưng Yên), tổ hợp văn phòng Deutsches Haus (TP.HCM), Trường mầm non Thế giới Xanh Pouchen (Đồng Nai), và nhà máy Phong Phú International (Bình Dương),... Những công trình này không chỉ thể hiện cam kết môi trường của doanh nghiệp mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành xây dựng và bất động sản tại Việt Nam.
Cơ cấu công trình xanh tại Việt Nam cũng đang chứng kiến những chuyển biến rõ nét. Từ chỗ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dân dụng như căn hộ, văn phòng hay trung tâm thương mại, xu hướng công trình xanh đang mở rộng mạnh mẽ sang khu vực công nghiệp. Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, số lượng công trình công nghiệp xanh ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, nổi bật với sự bùng nổ của mô hình nhà kho xanh (warehouse) bên cạnh đà phát triển ổn định của các nhà máy công nghiệp (industrial factory). Sự chuyển dịch này vừa cho thấy sự đổi mới trong tư duy thiết kế và đầu tư xây dựng, vừa phản ánh cam kết ngày càng mạnh mẽ của doanh nghiệp đối với mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với các yêu cầu môi trường ngày càng khắt khe.
“Đòn bẩy” cho sự phát triển
Sự phát triển của công trình xanh tại Việt Nam đang chịu tác động từ nhiều yếu tố quan trọng, trong đó nổi bật là chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, sự nâng cao nhận thức của cộng đồng và xu hướng phát triển kinh tế bền vững.
Trong những năm gần đây, khung pháp lý liên quan đến công trình xanh ngày càng được hoàn thiện và cụ thể hóa. Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh định hướng sử dụng vật liệu xây dựng xanh và phát triển hạ tầng xanh trong các đô thị. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH14 cũng đã tích hợp tiêu chí công trình xanh vào hệ thống đánh giá và phân loại đô thị nhằm thúc đẩy xây dựng thân thiện với môi trường trên phạm vi rộng. Mới đây, Nghị định số 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở cũng đã bổ sung thêm các tiêu chí liên quan đến sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, đồng thời đưa yếu tố công trình xanh vào quá trình đánh giá, phân hạng nhà chung cư.
Tòa nhà trụ sở Tập đoàn Viettel được thiết kế theo tiêu chuẩn chứng chỉ xanh LEED của Hiệp hội Xây dựng xanh Mỹ (Ảnh: VnEconomy)
Ngoài chính sách, lợi ích thực tiễn về kinh tế và môi trường cũng là động lực thúc đẩy công trình xanh ngày càng được quan tâm. Những công trình xanh không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng, nước và tài nguyên mà còn làm giảm chi phí vận hành lâu dài, mang lại giá trị bền vững cho cả nhà đầu tư và người sử dụng. 
Cùng với đó, sự tham gia ngày càng sâu rộng của các tập đoàn quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản, không chỉ mang đến nguồn lực tài chính lớn mà còn góp phần lan tỏa các tiêu chuẩn môi trường khắt khe toàn cầu, thúc đẩy ngành xây dựng Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường xanh hóa và phát triển bền vững.
Đồng bộ các giải pháp
Theo ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng): công trình xanh cần được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường bên trong công trình; bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Do đó, để thúc đẩy phát triển tòa nhà xanh, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cần được coi là trọng tâm trong suốt vòng đời công trình từ thiết kế, thi công đến vận hành. Một trong những giải pháp nền tảng là áp dụng thiết kế thụ động tối ưu. Các tòa nhà nên được thiết kế để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, giúp giảm nhu cầu chiếu sáng nhân tạo vào ban ngày. Đồng thời, hệ thống thông gió tự nhiên cũng cần được tính toán kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo sự lưu thông không khí trong lành mà không cần sử dụng đến các thiết bị cơ khí tiêu tốn điện năng. Việc lựa chọn hướng công trình phù hợp và sử dụng vật liệu xây dựng có khả năng cách nhiệt, phản xạ nhiệt tốt cũng góp phần giảm đáng kể nhu cầu làm mát và sưởi ấm, từ đó tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Ảnh minh hoạ (Ecoretreat)
Bên cạnh đó, cần ứng dụng rộng rãi các vật liệu và giải pháp kỹ thuật có hiệu suất cao trong xây dựng. Tường, sàn và mái nhà nên được cách nhiệt tốt để hạn chế trao đổi nhiệt giữa bên trong và bên ngoài. Hệ thống cửa sổ và kính tiết kiệm năng lượng giúp ngăn ngừa thất thoát nhiệt vào mùa đông và giảm hấp thụ nhiệt vào mùa hè. Việc tích hợp các mảng xanh như mái xanh hay tường xanh không chỉ cải thiện vi khí hậu xung quanh mà còn giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và tăng hiệu quả làm mát tự nhiên cho công trình.
Trong hệ thống cơ điện, việc lựa chọn các thiết bị tiết kiệm năng lượng là yếu tố không thể thiếu: Hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED, kết hợp với cảm biến chuyển động hoặc cảm biến ánh sáng, cho phép điều chỉnh ánh sáng theo nhu cầu thực tế; Hệ thống điều hòa không khí và thông gió cần được lựa chọn kỹ lưỡng, ưu tiên những thiết bị có thể điều chỉnh công suất và đạt chuẩn hiệu suất cao. Ngoài ra, các hệ thống bơm nước và thang máy cũng nên sử dụng công nghệ biến tần nhằm tối ưu hóa năng lượng tiêu thụ trong quá trình vận hành.
Đặc biệt, cần triển khai hệ thống quản lý năng lượng thông minh (BEMS). Hệ thống này cho phép theo dõi và giám sát tiêu thụ điện năng theo thời gian thực, từ đó giúp phát hiện các điểm tiêu thụ bất hợp lý, đề xuất phương án điều chỉnh hoặc cảnh báo khi có sự cố kỹ thuật xảy ra. BEMS còn giúp phân tích dữ liệu theo từng khu vực, thời gian, thiết bị, hỗ trợ ban quản lý tòa nhà xây dựng chiến lược vận hành tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Cuối cùng, việc tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào tòa nhà là một xu hướng tất yếu. Với điều kiện khí hậu nắng nhiều tại Việt Nam, các công trình hoàn toàn có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái hoặc hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời. Trong trường hợp không thể sản xuất đủ tại chỗ, tòa nhà có thể mua năng lượng tái tạo thông qua các hợp đồng mua bán điện (PPA) hoặc sử dụng chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) từ các nhà cung cấp bên ngoài, góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính và gia tăng giá trị xanh và tính bền vững cho công trình.
Phát triển tòa nhà xanh không chỉ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, mà còn là lời giải cho bài toán tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và nâng cao chất lượng sống đô thị. Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế thụ động, công nghệ hiệu suất cao và hệ thống năng lượng tái tạo sẽ tạo nên những công trình không chỉ thân thiện với môi trường mà còn có giá trị kinh tế bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự chung tay từ các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp xây dựng, kiến trúc sư và người dân cùng hướng đến một tương lai đô thị xanh, thông minh và phát triển lâu dài.
Minh Khuê