Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã và đang lấy sản xuất “xanh” làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh.
Một trong những doanh nghiệp tiên phong, có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh tại tỉnh phải kể đến Nhà máy Tetra Pak. Đầu năm 2023, Tetra Pak trở thành nhà máy đầu tiên và duy nhất trong số 82 nhà máy sản xuất bao bì tại Việt Nam được xếp hạng đạt chứng nhận BRCGS hạng AA+, hạng cao nhất theo hệ thống quản lý chất lượng do Hiệp hội Bán lẻ Anh Quốc ban hành.
Ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam chia sẻ, Tetra Pak cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động vận hành của công ty xuống bằng 0 vào năm 2030. Nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống của Tetra Pak tại Bình Dương vừa hoàn thành việc lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời trên diện tích gần 5.900 m2 sau 6 tháng thi công. Những tấm quang năng này có thể tạo ra gần 1.900 MWh năng lượng điện tái tạo mỗi năm, giúp giảm hơn 700 tấn khí CO2 thải ra môi trường. Đây là kết quả thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của Tetra Pak.
Nhà máy Tetra Pak thay đổi công nghệ hướng tới sản xuất xanh (Ảnh: Tạp chí Công nghiệp Môi trường).
Công ty TNHH Toyotsu Safety & Automotive Components Vietnam (TSAV), khu công nghiệph Mỹ Phước 3 thuộc Tập đoàn Toyota, hiện đang sản xuất phụ kiện ghế ngồi xe hơi, tiêu thụ rất nhiều điện và dầu diesel. Ông Masami Okumura, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất, công ty đã lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải…
Năm 2022, công ty cũng lắp đặt thêm 1 nồi hơi mới giúp giảm 15% lượng dầu diesel, đồng thời tiến hành lắp đặt điện mặt trời áp mái tại nhà máy. Hiện TSAV vẫn duy trì chiến lược bảo vệ môi trường trong nhà máy bằng các hoạt động như tuyên truyền về giảm phát thải CO2, giám sát chất lượng nước thải, khí thải, giảm thiểu sử dụng nước, giảm phát thải, chất thải hay minh bạch thông tin môi trường, phát động nhân viên xây dựng đề tài tiết kiệm điện, nước, giảm rác thải và tái chế cùng nhiều ý tưởng cải tiến thiết thực…
Công ty đầu tư nhà máy sản xuất giấy hiện đại, thân thiện với môi trường (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường).
Tại Công ty Cheng Loong Bình Dương Paper đang triển khai thực hiện sản xuất và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm, dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn, thu hồi giấy để tái sản xuất, thông qua quy trình sản xuất xanh và carbon thấp để giúp giấy trở thành vật liệu đóng gói xanh vĩnh viễn.
Trong hai năm liên tiếp (2022-2023), Cheng Loong Bình Dương Paper được vinh danh trong Top 100 Doanh nghiệp Bền vững Việt Nam, “Top 100 Doanh nghiệp xanh và Phát triển bền vững”, “Top 100 Nhà máy xanh thân thiện với môi trường”, đạt Giải thưởng Sách Xanh tỉnh Bình Dương. Không chỉ thiết lập một mô hình sản xuất bền vững phù hợp cho ngành công nghiệp. Cheng Loong Bình Dương Paper còn dẫn đầu trong việc chuyển đổi và nâng cấp chuỗi cung ứng tái chế, thúc đẩy giáo dục về môi trường và xã hội, cung cấp cho người tiêu dùng những lựa chọn đa dạng và thân thiện hơn với môi trường, mở rộng quy mô của “Khu rừng tái sinh lần thứ hai”.
Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã và đang tập trung vào sản xuất xanh như một chiến lược cạnh tranh quan trọng. Doanh nghiệp chủ động áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tái tạo, và giảm thiểu chất thải để giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Các hành động này không chỉ đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh mà còn định hình tương lai của ngành công nghiệp tại Bình Dương, hướng tới xây dựng các khu công nghiệp sinh thái và đạt tiêu chuẩn xanh trong thời gian tới.
Hoàng Dương