Tỉnh Bình Dương (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh) đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển bền vững thông qua chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH).
Ngay từ năm 2012, Bình Dương đã triển khai chương trình SXSH trong công nghiệp theo định hướng của Bộ Công Thương. Trọng tâm của chương trình là nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các giải pháp sản xuất thân thiện môi trường cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng như dệt may, chế biến gỗ, gốm sứ, thực phẩm.
Theo thống kê từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương, đến năm 2024, hơn 90% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được kiến thức về SXSH. Trong đó, khoảng 25% doanh nghiệp có tiềm năng đã tiến hành đánh giá và triển khai các giải pháp cụ thể, giúp tiết kiệm từ 5-15% năng lượng và nguyên vật liệu sử dụng trong sản xuất. Đây là con số đáng khích lệ, phản ánh sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cộng đồng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tiên phong như Công ty Gốm sứ Minh Long I, Orion Vina,Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn hay Công ty cổ phần SXTM Hiệp Long đã đầu tư vào các hệ thống tái sử dụng nhiệt, xử lý khí thải và tái chế nước thải trong dây chuyền sản xuất. Việc cải tiến công nghệ không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu, đáp ứng yêu cầu về sản phẩm xanh từ thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp tại Bình Dương nỗ lực thay đổi và kiểm soát chặt quy trình sản xuất xanh (Ảnh: Báo Bình Dương)
Theo ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, công ty được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tư vấn, hướng dẫn các giải pháp SXSH phù hợp với quy mô doanh nghiệp, với chi phí đầu tư ít. Trên cơ sở đó, công ty đã xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về sản xuất, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng, nước và các dạng chất thải một cách có hệ thống, đổi mới và cải tiến công nghệ theo hướng tốt hơn và sạch hơn...
Theo báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, chương trình sản xuất sạch hơn kết hợp với các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tiết kiệm được hơn 406 triệu kWh điện, tương đương khoảng 2,34% tổng sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn, con số này không chỉ là cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất mà còn góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện liên tục tăng cao.
Hiệu quả tiết kiệm không chỉ đơn thuần là giảm tiêu thụ điện mà còn cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách tiếp cận sản xuất. Khi doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, đồng nghĩa với việc họ đang chủ động cải tiến quy trình, giảm thất thoát năng lượng, tái sử dụng tài nguyên và tận dụng phụ phẩm, giúp nâng cao hiệu suất sản xuất, giảm chi phí đầu vào và góp phần tích cực vào việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Rõ ràng, chương trình SXSH tại Bình Dương không chỉ mang lại hiệu quả tức thời về kinh tế, mà còn đang góp phần định hình một hệ sinh thái công nghiệp xanh, hiệu quả và phát triển bền vững. Với định hướng đúng đắn và sự tham gia ngày càng sâu rộng của cộng đồng doanh nghiệp, Bình Dương đang tiến nhanh trên con đường trở thành địa phương tiêu biểu trong ứng dụng sản xuất sạch hơn tại Việt Nam.
Những kết quả bước đầu từ chương trình sản xuất sạch hơn không chỉ khẳng định tính khả thi của mô hình phát triển công nghiệp xanh tại Bình Dương mà còn cho thấy tiềm năng lan tỏa ra các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, sau khi Bình Dương chính thức sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh từ giữa năm 2025, những kinh nghiệm và mô hình SXSH đã triển khai tại đây đang trở thành nền tảng quan trọng để xây dựng một chiến lược phát triển xanh mang tính liên vùng, đồng bộ hơn về cơ chế và nguồn lực.
Minh Khuê