Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 18/07/2025 | 15:35 GMT+7

Sản xuất bền vững

Cơ hội mới cho sản xuất hữu cơ và tuần hoàn

18/07/2025

Từ ngày 1/7/2025, các mô hình nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn sẽ được vay tối đa 70% giá trị dự án mà không cần tài sản bảo đảm. Đây được xem là bước tiến lớn trong nỗ lực thúc đẩy nông nghiệp xanh, bền vững và hiện đại tại Việt Nam.
Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi tại Nghị định 116/2018/NĐ-CP) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nghị định 156 bổ sung Điều 15a, cho phép các dự án nông nghiệp hữu cơ và các mô hình nông nghiệp tuần hoàn được vay vốn không cần tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị dự án. Chính sách mới này giúp giải tỏa một trong những rào cản lớn nhất khiến nhiều mô hình nông nghiệp xanh không thể mở rộng quy mô: thiếu vốn đầu tư ban đầu và khó tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, nếu gặp rủi ro khách quan trong quá trình sản xuất, các khoản vay sẽ được xử lý tương tự như các dự án liên kết chuỗi giá trị, giúp giảm thiểu thiệt hại cho người vay và khuyến khích họ mạnh dạn đổi mới mô hình canh tác.
Nông nghiệp tuần hoàn là một giải pháp hợp lý nhằm tiết giảm chi phí đầu vào và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất (Ảnh: Báo Chính phủ)
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực nông nghiệp xanh, Nghị định 156 còn nâng hạn mức vay vốn không tài sản bảo đảm đối với nhiều nhóm đối tượng trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, quy định mới cũng đơn giản hóa thủ tục vay vốn: không còn bắt buộc nộp giấy xác nhận đất không có tranh chấp, mà nội dung này có thể thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí thủ tục cho người dân.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là một động thái mạnh mẽ thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời giúp nông dân thích ứng với xu thế tiêu dùng xanh, xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính.
Đặc biệt, chính sách mới mở ra cơ hội cho hàng nghìn hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn trong chuyển đổi mô hình sang sản xuất sạch. Nhiều dự án trước đây từng gặp khó khăn trước ngân hàng do không có tài sản thế chấp, nay có thể được tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Tuy chính sách đã mở, nhưng để hiện thực hóa, cần sự phối hợp chặt chẽ từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương và các cơ sở đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Đào tạo về mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tư vấn lập dự án và quản lý tài chính là những yếu tố then chốt giúp nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Ngoài ra, việc giám sát, đánh giá định kỳ hiệu quả sử dụng vốn và kiểm soát rủi ro cũng cần được tăng cường để đảm bảo tín dụng chính sách phát huy tối đa hiệu quả.
Với Nghị định 156/2025/NĐ-CP, Chính phủ không chỉ mở rộng hành lang pháp lý cho tín dụng nông nghiệp, mà còn đặt ra định hướng rõ ràng cho tương lai gắn với việc phát triển nền nông nghiệp hiện đại, xanh, bền vững và có giá trị gia tăng cao.
Đây là cơ hội lớn để nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống và hướng tới mô hình sinh thái, khép kín, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Xem chi tiết Nghị định 156: tại đây
Quốc Dũng