Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 16:16 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

06/09/2024

Tóm tắt:
Tiêu dùng xanh là thuật ngữ được sử dụng để mô tả hành vi tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu trên thế giới, đây là một trong những yếu tố then chốt trong tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bài viết hệ thống hóa cơ sở lý luận về cách tiếp cận tiêu dùng xanh, phân tích xu hướng tiêu dùng xanh ở Việt Nam, chỉ ra những khó khăn và thách thức trong tiêu dùng xanh và đề xuất một số gợi ý thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Từ khóa: tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh, người tiêu dùng xanh, môi trường xanh, phát triển bền vững, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Tình trạng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của con người trong giai đoạn vừa qua. Vì vậy phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng cũng như nhiệm vụ cấp bách của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chính phủ của nhiều quốc gia đã liên tục ban hành các quy định về bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời sử dụng các biện pháp truyền thông tích cực nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường bằng các hành động thiết thực như ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh, dịch vụ xanh, sử dụng giao thông ít Carbon, phân loại rác thải tại nguồn… Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng ban hành các chính sách pháp luật nhằm gắn trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp, định hướng doanh nghiệp áp dụng các phương pháp sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ xanh.
Tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường do phát thải khí, rác thải công nghiệp và sinh hoạt đang ở tình trạng báo động. Những phát thải chủ yếu ở Việt Nam đặc biệt có rác thải nhựa, trung bình mỗi gia đình thải ra môi trường 1 kg rác thải nhựa, theo đó hàng năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường chiếm 6% rác thải nhựa trên thế giới và chỉ có 27% số rác thải này được tái chế (thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường). Mặt khác, thời tiết và khí hậu trong những năm vừa qua có nhiều diễn biến bất thường, nhiệt độ trung bình ở nhiều khu vực trong nước có xu hướng nóng nhất trong lịch sử. Chứng kiến sự suy thoái rõ rệt từ môi trường cùng với những chiến dịch truyền thông từ chính phủ và các cơ quan chức năng, phần nào đã tác động tới nhận thức của công chúng về trách nhiệm bảo vệ môi trường vì tương lai của thế hệ sau. Điều này được thể hiện bằng sự quan tâm của người tiêu dùng tới các sản phẩm xanh, các sản phẩm không gây hại hoặc ít có tác động tới môi trường. Xu hướng tiêu dùng xanh này cũng đã mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào sản xuất sản phẩm xanh.
Xu hướng tiêu dùng xanh không còn là khái niệm mới mẻ với người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt thế hệ Millennials, là những người sinh ra từ năm 1980 đến năm 2000, đây là thế hệ có khả năng chuyển đổi hành vi sang tiêu dùng xanh và có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng. Họ chấp nhận và dễ dàng tiếp cận với các khái niệm mới, sản phẩm mới hơn các thế hệ trước. Họ quen thuộc với công nghệ số và thích ứng với các phương tiện truyền thông số và có khả năng ảnh hưởng đến các thế hệ khác (Phạm Thị Huyền và cộng sự, 2020).
Bài viết sử dụng phương pháp phân tích báo cáo và các dữ liệu lịch sử nhằm củng cố cho các lập luận. Bài viết hệ thống hóa cơ sở lý luận về tiêu dùng xanh, phân tích xu hướng tiêu dùng xanh ở Việt Nam và chỉ ra khó khăn trong tiêu dùng xanh ở ViệtNam, từ đó đề xuất một số gợi ý thúc đẩy tiêu dùng xanh.
2. Cách tiếp cận tiêu dùng xanh
Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, khái niệm tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh, người tiêu dùng xanh đã được nhiều nhắc đến và các nghiên cứu tiếp theo đã mở rộng khái niệm này dưới nhiều góc độ.
Tiêu dùng xanh được hiểu là việc mua, sử dụng và truyền thông các sản phẩm xanh, sản phẩm không gây hại cho hệ sinh thái tự nhiên (Choi, 2005), tiêu dùng xanh là hành vi tiêu dùng mang lại phúc lợi cho cộng đồng nơi người tiêu dùng sinh sống, từ đó khuyến khích mọi người cùng hành động thân thiện với môi trường. Tiêu dùng xanh là hành vi tiêu thụ các sản phẩm không gây hại hoặc có tác động rất ít tới môi trường (Halpenny, 2006). Hay tiêu dùng xanh là quá trình tiêu thụ sản phẩm tốt và mang lại lợi ích cho môi trường (Mostafa, 2007). Tiêu dùng xanh được hiểu là sự nỗ lực giảm thiểu tác động gây hại tới môi trường của người tiêu dùng trong quá trình mua hàng, sử dụng và loại bỏ, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đảm bảo chất lượng cuộc sống (Raukoff và Wu, 2013). Theo Chen và cộng sự (2010), tiêu dùng xanh là một phần của tiêu dùng bền vững, trong đó người tiêu dùng nhận thức được các vấn đề môi trường và có trách nhiệm với môi trường khi mua sắm, tiêu dùng sản phẩm.
Xuất phát từ xu hướng tiêu dùng xanh, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm không gây hại, thể hiện nỗ lực bảo vệ môi trường. Chính phủ các nước cũng đưa ra nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh. Những sản phẩm có chất liệu hoặc bao bì thân thiện với môi trường là sản phẩm xanh (Shamdasamin và cộng sự, 1993). Mở rộng khái niệm này Terra Choice (2010) đã định nghĩa ản phẩm xanh là sản phẩm mang lại lợi ích cho môi trường, không gây ô nhiễm cho môi trường, có thể tái chế và bảo tồn.
Ngày nay, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh đang trở thành tiêu chuẩn cho sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao và người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho việc tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ này (Laroche và cộng sự, 2001; Tsakiridou và cộng sự, 2008). Những người tiêu dùng mua sản phẩm xanh, dịch vụ xanh hoặc thực hiện các hành vi thân thiện với mới môi trường, bảo vệ môi trường được định nghĩa là người tiêu dùng xanh, họ là những người có xu hướng sẵn sàng tiếp thu những cái mới vì vậy họ có xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh (Shamdasani và cộng sự, 1993).
3. Xu hướng tiêu dùng xanh ở Việt Nam
3.1. Các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh của chính phủ Việt Nam
Nhằm triển khai các hoạt động liên quan tới sản xuất, tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chính sách pháp luật như Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999); Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,… Quyết định số 1393 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn 2050” chỉ ra hai nhiệm vụ liên quan đến tiêu dùng xanh là xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng. Chiến lược này là căn cứ pháp lý để xây dựng chính sách tiêu dùng xanh, cho thấy chuyển đổi sang mô hình tiêu dùng xanh là mục tiêu của chính phủ Việt Nam trong phát triển bền vững.
“Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020” đã làm rõ mục tiêu để sản xuất và tiêu dùng bền vững cần đẩy mạnh sản xuất sạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, giảm phát thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
“Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” đã cho thấy tính cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng “xanh” nhằm bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường và các biện pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu như: nâng cao nhận thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội, đặt mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng tái tạo, từng bước phát triển năng lượng sạch.
“Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam” khẳng định tiêu dùng xanh yếu tố then chốt trong tăng trưởng xanh. Trong đó tăng trưởng xanh là cơ sở thúc đẩy nền kinh tế xanh, nền kinh tế trung hóa carbon hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hạn chết sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Có thể nói, các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh của Chính phủ giai đoạn vừa qua đã được phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước, bước đầu đã thu hút được sự quan tâm tham gia của người dân và đã có những kết quả như sau:
Chiến dịch Tiêu dùng xanh lần thứ 8 năm 2017 triển khai game nhận diện sản phẩm Việt/sản phẩm xanh trên App Store. Phần mềm này sẽ hiển thị sản phẩm của doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xanh và doanh nghiệp chưa thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Phần mềm cho phép người chơi phân loại và lựa chọn sản phẩm xanh, nếu tỷ lệ chọn đúng đạt từ 80-100% sẽ nhận được quà là một sản phẩm xanh hoặc sản phẩm tái chế thủ công.
Tại Hà Nội, chương trình “Mạng lưới điểm đến xanh” đã góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về việc sản xuất, tiêu thụ, tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ xanh. Kết quả chương trình đã trở thành cầu nối doanh nghiệp với người tiêu dùng tạo nên mạng lưới xanh cho cộng đồng có trách nhiệm với môi trường - xã hội.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2010 - 2017 đã tổ chức thành công 8 lần chiến dịch tiêu dùng hàng năm, thu hút hơn 70 ngàn lượt tình nguyện viên tham gia, hơn 4 triệu lượt người dân hưởng ứng, nâng mức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xanh từ 40-60% trong tháng diễn ra chiến dịch tại hệ thống siêu thị Coopmart.
 3.2. Xu hướng tiêu dùng xanh của Việt Nam
Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (Institute for Business Value - IBV) năm 2021, 90% số người được hỏi cho biết đại dịch Covid-19 đã giúp họ nhận thức được các vấn đề về bảo vệ môi trường và tiêu dùng bền vững. Họ ưu tiên sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên (Organic, BiOrganic) và không biến đổi gen đến từ các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và hạn chế sử dụng những sản phẩm không thân thiện với môi trường hay sản phẩm của các doanh nghiệp có tác động xấu tới môi trường. Họ chấp nhận chi phí cao hơn cho những sản phẩm này. Có thể nói, đây là bước tiến quan trọng trong thúc đẩy tiêu dùng xanh từ phía người tiêu dùng.
Trước đây, nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam (2017) cho biết các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” đã đạt mức tăng trưỏng 4%/năm và 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm xanh. Mặt khác, các doanh nghiệp cam kết có trách nhiệm với môi trường, có ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của 62% người tiêu dùng Việt Nam và 80% người tiêu dùng lo ngại tác hại lâu dài từ các nguyên liệu nhân tạo.
Theo kết quả nghiên PwC (Thói quen Tiêu dùng tháng 12/2021), 9.370 người được hỏi thuộc 26 vùng lãnh thổ và quốc gia, trong đó có Việt Nam cho thấy người tiêu dùng chú ý nhiều hơn tới các vấn đề liên quan tới môi trường, hơn 47% người được hỏi ưu tiên tiêu dùng sản phẩm có thể tự phân hủy.
Nhìn chung, tiêu dùng xanh đang là xu hướng tất yếu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để xây dựng uy tín trên thị trường, “xanh hóa” đã trở thành xu hướng trong xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi đầu tư sản xuất sản phẩm có đặc tính “xanh” và “sạch”, xu hướng “thương hiệu xanh” được coi là công cụ tranh tranh gắn với phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng xanh của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chủ động triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh bằng các hình thức như: chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon và chuyển sang túi giấy hoặc túi dùng nhiều lần. Nhiều siêu thị lớn ở Việt nam khuyến khích người dân sử dụng túi dùng nhiều lần, tích điểm khi khách hàng không sử dụng túi nilon, sử dụng lá chuối gói thực phẩm thay cho túi nilon, thay đổi bao bì thân thiện với môi trường.
Đối với ngành F&B, nhiều tiệm coffee, trà sữa đã sử dụng ống hút giấy, ống hút tre thay cho ống hút nhựa hay cốc giấy thay cho cốc nhựa dùng một lần, sự dụng túi giấy thay cho túi nilon,… Xu hướng này cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất ống hút từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng xanh phát triển đã thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như: Bác Tôm, Sói Biển, Hano Farm,… nhằm cung cấp sản phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng.
3.3. Khó khăn và thách thức
Mặc dù tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu trong tương lai và mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, như:
Các biện pháp chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất xanh, tiêu dùng xanh còn thiếu, hay các chính sách này chưa đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp sẵn sàng gia nhập vào thị trường cung cấp các sản phẩm tiêu dùng xanh. Nguồn tài chính xanh tài trợ cho các dự án sản xuất xanh còn ít, mức hỗ trợ thấp.
Nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ môi trường, xu hướng tiêu dùng xanh còn hạn chế, chỉ tập trung chủ yếu vào thế hệ Millennials, những người có trình độ học vấn cao, thu nhập tốt, có hiểu biết xã hội, quan tâm tới môi trường và sinh sống chủ yếu ở khu vực thành thị. Khu vực nông thôn và miền núi, người tiêu dùng chưa có hiểu biết đầy đủ về bảo vệ môi trường trong tiêu dùng sản phẩm, họ chưa hiểu rõ ý nghĩa của bảo vệ môi trường và tác hại của ô nhiễm môi trường đến cuộc sống, họ cũng chưa phân biệt được khái niệm sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường với sản phẩm thông thường khác.
Thu nhập là yếu tố quyết định hành vi tiêu dùng xanh của cộng đồng. Mức thu nhập của người dân Việt Nam đang ở mức trung bình. Trong khi đó giá thành sản phẩm xanh, dịch vụ xanh sẽ cao hơn sản phẩm cùng loại từ 20% - 40%. Đây là một trong những rào cản khiến người dân khó tiếp cận với sản phẩm xanh.
Về phía doanh nghiệp, cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh là một bài toán khó đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Chi phí đầu tư chuyển đổi sang công nghệ xanh lớn, năng lực trình độ còn hạn chế. Vì vậy, chưa có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh.
4. Kết luận
Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, ý thức người tiêu dùng về môi trường sống cũng được nâng theo. Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm tới khái niệm sản phẩm sạch, sản phẩm xanh, tiêu dùng nhằm sản phẩm thỏa mãn nhu cầu bản thân và mang lại chất lượng cuộc sống nhưng không làm ảnh hưởng tới môi trường. Vì vậy, tiêu dùng xanh sẽ là xu hướng tiêu dùng trong tương lai của người tiêu dùng Việt Nam nói riêng và người tiêu dùng trên thế giới nói chung. Để thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh, tác giả đề xuất một số gợi ý sau:
+ Hoàn thiện khung pháp lý và các biện pháp cụ thể thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản xuất xanh;
+ Tạo kênh thu hút nguồn tài chính xanh từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt tăng cường tiếp cận với các nguồn vốn như ODA, WB để huy động nguồn vốn xanh.
+ Tăng cường các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, hậu quả của hành vi gây hại tới môi trường, cũng như ý nghĩa của hành động bảo vệ môi trường thông qua việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, chuyển đổi từ tiêu dùng hàng hóa thông thường sang tiêu dùng hàng hóa xanh.
+ Ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm/dịch vụ xanh nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng cơ hội sử dụng sản phẩm xanh cho người tiêu dùng trên diện rộng. Thực hiện các chiến dịch trải nghiệm sản phẩm xanh, dịch vụ xanh để khơi gợi nhu cầu và hình thành thói quen tiêu dùng xanh cho cộng đồng.
+ Tổ chức đào tạo nâng cao trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp, gắn liền trách nhiệm xã hội với hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích chuyển đổi từ nguyên liệu thông thường sang nguyên liệu xanh, giảm phát thải khí carbon, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2012). Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
2. Chính phủ (2021). Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Lê Hoàng Lan (2007). Lồng ghép “Mua sắm xanh” vào chương trình dán nhãn sinh thái. Tạp chí Bảo vệ Môi trường, số 11.
4. PwC (2021). Khảo sát Thói quen Tiêu dùng - tháng 12. Truy cập tại: https://www.pwc.com/vn/vn/publications/vietnam-publications/consumer-insights-survey.html.
5. Phạm Thị Huyền, Nguyễn Thị Vân Anh, Đào Ngọc Hân, Trần Trung Kiên, Đỗ Chí Tú (2020). Các yếu tố thúc đẩy ý định và hành vi tiêu dùng xanh của Millennials Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-yeu-to-thuc-day-y-dinh-va-hanh-vi-tieu-dung-xanh-cua-millennials-viet-nam-72659.htm.
6. PV (2017). Nielsen: NTD Việt có tinh thần hướng đến xã hội và phát triển bền vững cao nhất khu vực. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/nielsen-ntd-viet-co-tinh-than-huong-den-xa-hoi-va-phat-trien-ben-vung-cao-nhat-khu-vuc.htm.
7. Chen T. B., & Chai L. T. (2010). Attitude towards the Environment and Green Products: Consumer’s Perspective. Management Science and Engineering, 4(2), 27-39.
8. Halpenny E. H. (2006). Examining the relationship of place attachment with pro-environmental intentions. Proceeding of the 2006 Northeastern Recreaction Research Symposium, GTR-NRS-P-14.
9. Institute for Business Value - IBV (2021). IBM Study: COVID-19 Pandemic Impacted 9 in 10 Surveyed Consumers' Views on Sustainability. Available at: https://newsroom.ibm.com/2021-04-22-IBM-Study-COVID-19-Pandemic-Impacted-9-in-10-Surveyed-Consumers-Views-on-Sustainability.
10. Kim Y., & Choi S. M. (2005). Antecedent of green purchase behavior: An examination of collectism, environment corcern and PCE. Advances in Consumer Research, (32:1), 592-599.
11. Laroche M., Bergeron J., Barbaro-Forleo (2001). Targeting Consumers Who are Willing to Pay More for Environmentally Friendly Products. Journal of Consumer Marketing, 18, 503.
12. Mostafa M. M. (2007). Gender differences in Egyptian consumer’s green purchase behavior: The effects of environmental knowledge, concern and attitude.  International Journal of Consumer Studies, (31), 220-229.
13. Tsakiridou E., Boutsouki C., Zotos Y., Mattas (2008). Attitudes and Behaviour towards Organic Products: An Exploratory Study. International Journal of Retail & Distribution Management, 36(2), 158.
14. Raukoff, & Wu J. (2013). Influence Mechanism of Green Consumption Behavior Based on Ajzen Planned Behavior Theory. Journal of Finance and Economics, No. 2, 91-100.
15. Shamdasani P., Gloria Ong Chon-Lin, and Daleen Richmond (1993). Exploring Green Consumers in an Oriental Culture: Role of Personal and Marketing Mix Factors. Advances in Consumer Research, 20, 488-493
16. Terra Choice (2009). Seven Sins of Greenwashing: Environmental Claims in Consumer Markets. Summary Report North America 2009. TerraChoice Group, Inc. Ottawa, Ontario, Canada. Available online at http://sinsofgreenwashing.org/findings/greenwashing-report-2009.
Green consumption trend in the sustainable development of Vietnam
Ph.D Nguyen Thi Hanh
Faculty of Economics and Business Administration, Hai Phong University
Abstract:
Green purchasing is a term used to describe the behavior of consuming environmentally friendly products and services. Green purchasing is an inevitable trend in the world as well as in developed countries, including Vietnam, and is one of the key factors in green growth towards the goal of sustainable development. This paper summarized the theoretical basis for the green consumption approach, analyzed green consumption trends in Vietnam, and pointed out difficulties and challenges in green consumption. The paper also proposed some suggestions to promote green consumption towards sustainable development in Vietnam.
Keywords: green purchasing, green products, green consumers, green environment, sustainable development, Vietnam.
TS. Nguyễn Thị Hạnh
Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng
[Nguồn: Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2024]