Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 12:44 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Tiêu dùng xanh giúp sản phẩm xanh và sạch lên ngôi

29/01/2024

Tiêu dùng xanh đang được coi là xu hướng nhằm gắn trách nhiệm người tiêu dùng với bảo vệ môi trường. Từ hành động của người tiêu dùng dẫn tới lĩnh vực sản xuất cũng dần điều chỉnh nâng chất sản phẩm xanh sạch.
Hành vi người tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường
Tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu. Người tiêu dùng nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực đối với bảo vệ môi trường.
Trước bối cảnh dịch COVID-19, người dân các và nhà đầu tư đã chuyển dần thói quen mua sắm bằng các kênh tiêu dùng “xanh” và ưu tiên cho bảo vệ sức khoẻ, tái tạo năng lượng. Tiêu dùng xanh là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Những năm qua, nhiều mô hình tiêu dùng xanh được cộng đồng hưởng ứng như: gói rau, củ, quả bằng lá chuối; dùng bình nước bằng thủy tinh, ống hút bằng tre hoặc giấy; sử dụng ly giấy thay ly nhựa, túi vải thay túi ny-lông…
Còn khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường. Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng.
Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. (Ảnh minh họa).
Thực tế, tiêu dùng xanh đã khá phổ biến ở các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Việt Nam đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh cũng bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999),... Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương); Nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai.
Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu với nội dung: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.
Sản phẩm xanh và sạch lên ngôi
Sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường giúp giảm lượng lớn rác thải; giúp giảm lượng lớn năng lượng xấu đến môi trường cũng như giảm áp lực cho các hệ sinh thái khi phải gồng mình để phân hủy hàng tấn rác thải mỗi ngày.
Sản phẩm xanh và sạch là sản phẩm có lợi cho môi trường, hạn chế rác và chất thải ô nhiễm khác. Một sản phẩm được gọi là xanh sạch khi nó được tạo từ những chất liệu thân thiện với môi trường. Có thể tự phân hủy ở môi trường tự nhiên, sau khi không dùng nữa thì gọi là rác thải hữu cơ.
Nếu sản phẩm đó có thể tái sử dụng được nhiều lần, thay thế cho những sản phẩm dùng một lần thì đó đích thị là một sản phẩm Xanh và Sạch mà mỗi cá nhân có ý thức với môi trường nên có.
Những sản phẩm xanh được điều chế từ những thành phần thiên nhiên, không chứa những hóa chất gây hại trong quá trình sử dụng hoặc khi tiếp xúc. Đây là một trong những điểm sáng khiến cho người tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng những sản phẩm xanh sạch thay thế cho những sản phẩm thông thường. Nhờ vào những nguyên liệu lành tính hoặc quá trình sản xuất, bạn đã có thể giảm thiểu tối đa lượng hóa chất trong sinh hoạt thường ngày gây hại đến sức khỏe của gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Sản phẩm xanh và sạch là sản phẩm có lợi cho môi trường, hạn chế rác và chất thải ô nhiễm khác. (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, một sản phẩm xanh tất nhiên không thể thiếu đi yếu tố thân thiện với môi trường. Những sản phẩm xanh được cam kết sẽ được điều chế từ những thành phần thiên nhiên, bao bì có thể tái chế được hoặc phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Hoặc đảm bảo được quá trình sản xuất không tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và không gây hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Yếu tố này làm giảm việc tạo ra các khí nhà kính như CFCs, Ozone, mêtan… và do đó ngăn ngừa ô nhiễm hoặc biến đổi khí hậu về sau. Bằng cách sử dụng những sản phẩm xanh, chúng ta đã và đang chung tay giúp cải thiện môi trường tự nhiên, nâng cấp chất lượng cuộc sống của gia đình và cả thế hệ mai sau.
Tiêu dùng xanh có tác động tích cực đến môi trường sống bằng cách giảm thiểu lượng rác thải, tiết kiệm tài nguyên và giảm khí thải gây ô nhiễm. Việc sử dụng sản phẩm tái chế, sản phẩm hữu cơ và sản phẩm không gây ô nhiễm cũng giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Ngoài ra, tiêu dùng xanh còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp tái chế và tái sử dụng, tạo ra cơ hội việc làm và kích thích sự đổi mới công nghệ để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Đồng thời, việc tiêu dùng xanh cũng giúp tạo ra một cộng đồng nhận thức về tác động của hành vi tiêu dùng đến môi trường và khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo: Doanhnghiepkinhtexanh.vn