Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 08:32 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Tiêu dùng xanh hướng tới cuộc sống bền vững

15/01/2024

Những năm trở lại đây, xu hướng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Năm 2000, thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu chỉ đạt khoảng 18 tỷ USD thì đến năm 2021, doanh thu thị trường này tăng mạnh lên 188 tỷ USD và đạt khoảng 208 tỷ USD trong năm 2022.
Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng nông sản sạch cũng không nằm ngoài hướng đi chung của thế giới. Tại các thành phố lớn, không khó để bắt gặp hình ảnh các cửa hàng thực phẩm hữu cơ, nông sản và hoa quả sạch. So với chợ truyền thống, nông sản ở đây bán giá cao hơn khá nhiều nhưng vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn vì có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm định và giám sát chất lượng.
Khảo sát xu hướng tiêu dùng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu khi có tới 95% số người tiêu dùng đã có ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc thay đổi hành vi, thói quen hằng ngày. Có tới 73% số người tiêu dùng đang ưu tiên sử dụng sản phẩm thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 59% lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 39% sẽ hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa và 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới;…
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), việc lựa chọn các cửa hàng kinh doanh rau quả, thực phẩm an toàn hay tại các siêu thị trở thành thói quen mua sắm…
Theo chị Dung, thực phẩm là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Do đó, chị thường tìm mua từ các cửa hàng uy tín. Đối với các loại thực phẩm đóng gói, chị luôn xem kỹ nguồn gốc, cũng như nhãn mác, phải có đầy đủ ngày sản xuất, hạn sử dụng…
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agritrade) cho biết, các hoạt động thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh trong thời gian gần đây đã tác động tới nhận thức và tâm lý của người tiêu dùng về hàng nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng Việt ngày càng hiểu biết và đòi hỏi nhiều hơn từ các loại thực phẩm mình sử dụng. Bên cạnh đó, thu nhập người tiêu dùng tăng, nên cũng sẵn sàng trả chi phí cao hơn để có những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe bản thân và gia đình.
Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các mặt hàng nông sản sạch, an toàn và có xuất xứ rõ ràng. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Xu hướng “tiêu dùng xanh” đang được nhiều người dân lựa chọn, từ việc ưu tiên sử dụng các thực phẩm sạch (ít hoặc không có chất bảo quản, không sử dụng hóa chất trong nuôi, trồng) đến nói không hoặc giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm làm từ nilon, nhựa… nhằm hướng đến xây dựng một môi trường sống chất lượng hơn, trong sạch hơn.
Xu thế này cũng tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cung ứng sản phẩm buộc phải chú trọng đến cam kết chất lượng hàng hóa bảo đảm các tiêu chí về xanh - sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Hương Linh