Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 06:30 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Tập đoàn TH sản xuất xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

04/09/2024

Với mô hình sản xuất khép kín, ứng dụng công nghệ cao và tận dụng tối đa tài nguyên, Tập đoàn TH đang là hình mẫu điển hình cho kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Quy trình sản xuất khép kín, ứng dụng công nghệ cao
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên đang là mối quan ngại toàn cầu, Tập đoàn TH như một điểm sáng trong lĩnh vực sản xuất sạch và kinh tế tuần hoàn. Tập đoàn TH bày tỏ quyết tâm các trang trại, nhà máy trong chuỗi sản xuất khép kín của mình sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đồng hành cùng cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
"Tỉnh Nghệ An xác định xu thế hiện nay là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để vừa phát huy được kinh tế nông nghiệp, vừa bảo đảm giữ gìn môi trường. Tập đoàn TH đã làm rất tốt định hướng này”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chia sẻ.
Trang trại xanh của Tập đoàn TH.
Theo đó, Tập đoàn TH không ngừng đầu tư công nghệ tiên tiến từ việc trồng cỏ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe đàn bò đến quy trình vắt sữa tự động và chế biến sữa. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Các công nghệ hàng đầu thế giới đang được ứng dụng tại TH có thể kể đến như: hệ thống quản lý đàn bò tiên tiến Afimilk của Israel; quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; hệ thống phần mềm kiểm soát phối trộn, lập khẩu phần thức ăn 1-One, DNS; và các quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan…
Khu vực trang trại bò sữa TH được ứng dụng công nghệ hàng đầu.
Đặc biệt, trong chuỗi sản xuất tuần hoàn tại Tập đoàn TH, các sản phẩm phụ và rác thải, nước thải của một quy trình sẽ không bị loại bỏ mà tiếp tục trở thành tài nguyên của quy trình khác để giảm phát thải, tăng cường vòng đời của nguyên vật liệu hướng tới bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Cụ thể, Tập đoàn TH đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải phục vụ riêng cho khoảng 22.000 con bò sữa, với công suất 2.500 m3/ngày đêm, ứng dụng công nghệ của Hà Lan. Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN 62-MT:2016BTNMT. Với ba cụm trại (tổng 9 trang trại), mỗi cụm đều có hệ thống xử lý nước thải riêng, bảo đảm nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 
Tập đoàn TH chú trọng xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, phế phẩm này không bị thải loại mà trở thành nguyên liệu đầu vào của Nhà máy sản xuất phân bón vi sinh, từ đó quay trở lại đồng ruộng hoặc cung cấp ra thị trường. 

Tập đoàn TH đã đề ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp tại trang trại và nhà máy trung bình đạt 15%/năm
"Phân của bò được đưa vào hệ thống ép, tách phân. Sau khi được tách, đảo trộn ở nhiệt độ 65 - 70oC để diệt trừ vi khuẩn có hại, phân sẽ phối trộn với bã mía và một số men vinh trong 45 ngày cho ra thành phẩm phân hữu cơ. Phân hữu cơ chủ yếu dùng để bón cho cỏ làm thức ăn cho bò, một phần cung cấp ra thị trường", anh Vương Quốc Hạnh - cán bộ quản lý Nhà máy phân bón vi sinh Tập đoàn TH cho biết.
Nhà máy Sữa TH còn là đơn vị đơn vị đi đầu chuyển đổi sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường khi thay thế đốt lò hơi bằng nhiên liệu hóa thạch (dầu FO) sang sử dụng nhiên liệu sinh khối với lò Biomass. Hơi sinh ra từ lò cung cấp đủ nhu cầu cho toàn bộ khu vực sản xuất để thanh trùng, tiệt trùng máy rót; gia nhiệt nước, hỗ trợ quy trình làm sạch đường ống, thiết bị trong suốt quá trình sản xuất.
Sản xuất xanh mang lại những "trái ngọt"
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, Tập đoàn TH đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể trên hành trình tiên phong phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. 
Cụ thể, nhờ hệ thống xử lý nước thải hiện đại mà Tập đoàn TH làm giảm thiểu đáng kể lượng chất thải ra môi trường, góp phần bảo vệ nguồn nước và đất; ứng dụng công nghệ cao vào toàn bộ quy trình sản xuất giúp tối ưu hóa năng suất và chất lượng sản phẩm; tái sử dụng tài nguyên, biến chất thải thành phân bón hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế,...
Trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi còn tạo ra khí biogas được tái tạo thành điện năng để vận hành các nhà máy. Điện từ biogas và pin năng lượng mặt trời trên mái các cơ sở của TH hiện cung cấp khoảng 10 - 20% tổng nhu cầu điện, tùy theo mùa. Năng lượng tái tạo từ điện mặt trời trên mái trang trại cũng giúp giảm phát thải 5.000 tấn CO2/năm. 

Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt tại trang trại TH.
Chía sẻ về kết quả đạt được trong thời gian qua, Giám đốc Phát triển bền vững Tập đoàn TH, bà Hoàng Thị Thanh Thủy cho biết: Năm 2023, hệ thống trang trại của TH giảm phát thải trung bình hơn 20%/đơn vị sản phẩm thông qua nhiều giải pháp đồng bộ tập trung vào 3 hoạt động: Cắt giảm phát thải khí nhà kính; chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và hấp thụ khí nhà kính.
Với những giải pháp đang thực hiện, Tập đoàn TH đã đề ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp tại trang trại và nhà máy trung bình đạt 15%/năm ở phạm vi phát thải khí nhà kính trực tiếp.
Mục tiêu đến năm 2026, Tập đoàn TH sẽ triển khai bao gồm sử dụng năng lượng khí sinh học từ quá trình xử lý chất thải chăn nuôi để phục vụ cho các hoạt động tại trang trại (đun nước nóng). Bên cạnh đó, với các dự án đầu tư dây chuyền thiết bị mới, TH luôn ưu tiên lựa chọn dây chuyền, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, hiệu suất cao.
Thu Trang