Việt Nam đang đứng trước một thách thức lớn trong việc thực hiện cam kết đạt mục tiêu Netzero vào năm 2050. Việc đạt được mục tiêu này đòi hỏi một quá trình chuyển đổi xanh sâu rộng, không chỉ trong các ngành công nghiệp mà còn ở cả chính sách và nhận thức cộng đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam cần chuyển đổi các ngành công nghiệp chủ chốt như năng lượng, giao thông và nông nghiệp. Đồng thời, phải giảm ít nhất 43,5% lượng phát thải vào năm 2030 so với kịch bản phát thải thông thường (theo báo cáo của Bộ TN&MT) để có thể đạt Netzero vào năm 2050.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn do các rào cản liên quan đến nguồn vốn, công nghệ năng lượng tái tạo và chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh. Việc đạt được mục tiêu Netzero vào năm 2050 của Việt Nam đòi hỏi những bước đi mạnh mẽ và đồng bộ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong chính sách pháp lý, năng lượng bền vững, thị trường tín chỉ carbon và chuyển giao công nghệ.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Hoàn thiện chính sách pháp lý
Chính sách pháp lý đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh và thực hiện cam kết giảm phát thải. Để đạt được mục tiêu Net Zero, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống pháp lý rõ ràng và chặt chẽ hơn về phát thải, đồng thời khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ sạch. Bên cạnh đó, cần thiết lập các quy định khắt khe về mức độ phát thải khí nhà kính, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp lớn như năng lượng, giao thông và sản xuất. Việc áp dụng các mức giới hạn phát thải cụ thể sẽ tạo ra áp lực đối với các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và áp dụng các công nghệ giảm phát thải hiệu quả.
Để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững, Chính phủ có thể áp dụng các chính sách ưu đãi thuế và tài chính, như miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, sản xuất sạch và sử dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo, từ các khoản vay ưu đãi đến các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ.
Phát triển thị trường tín chỉ carbon
Một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh là xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon. Đây là một công cụ kinh tế mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp giảm phát thải một cách hiệu quả và có động lực tài chính để tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh.
Để tạo ra một hệ thống tín chỉ carbon rõ ràng và minh bạch, cần thiết lập một hệ thống tín chỉ carbon quốc gia, trong đó các doanh nghiệp có thể mua bán tín chỉ carbon khi thực hiện giảm phát thải vượt mức yêu cầu. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm phát thải mà còn tạo ra nguồn tài chính cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.
“Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang diễn ra rất sôi động, với tín chỉ carbon được coi là một loại hàng hóa có thể giao dịch. Giá một tín chỉ carbon dao động từ 1-2 USD, thậm chí đến gần 200 USD. Giá trị của tín chỉ carbon phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm: loại hình dự án tạo ra tín chỉ carbon; các tiêu chuẩn áp dụng để xác định tín chỉ carbon (như tiêu chuẩn Verra, Verified Carbon Standards (VCS), Gold Standards, hay American Carbon Registry); sự hiện diện của các lợi ích đi kèm (co-benefits); địa điểm giao dịch tín chỉ carbon" ông Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết.
Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất (Ảnh: vtv.vn)
Các doanh nghiệp có thể tham gia thị trường tín chỉ carbon bằng cách đầu tư vào các dự án giảm phát thải, chẳng hạn như sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, và nâng cấp các công nghệ giảm thiểu khí thải. Các tín chỉ này có thể được bán cho những doanh nghiệp khác cần giảm phát thải, tạo ra một thị trường linh hoạt và đầy động lực.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể gia nhập các cơ chế tín chỉ carbon toàn cầu, như Chương trình Giảm Phát Thải Quốc Tế (CERs) hoặc Thỏa thuận Paris, để tăng khả năng kết nối và hợp tác quốc tế. Việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng bán tín chỉ carbon ra ngoài nước và huy động vốn cho các dự án năng lượng tái tạo.
Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải và thúc đẩy chuyển đổi xanh, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu nhiều công nghệ tiên tiến và phù hợp với điều kiện địa phương. Do đó, việc thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế là yếu tố không thể thiếu.
Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế để tiếp cận các công nghệ mới nhất về năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo chuyên gia và triển khai thử nghiệm công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế số và kinh tế xanh thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường (Ảnh: Vanza)
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và năng lượng sinh học sẽ giúp xây dựng nền móng cho một hệ thống năng lượng bền vững.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này có thể thực hiện thông qua các quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, các chương trình đối tác công - tư, và hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu.
Bên cạnh việc nhập khẩu công nghệ, Việt Nam cũng cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng mặt trời, gió, và công nghệ xử lý chất thải. Các sáng chế và đổi mới sáng tạo trong nước sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tạo ra các giải pháp phù với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng
Một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam là nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Sự tham gia tích cực của người dân trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng, sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm phát thải là điều kiện tiên quyết để các giải pháp chuyển đổi xanh có thể thành công.
Cụ thể, cần giáo dục từ cấp cơ sở thông qua việc triển khai các chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững từ bậc học phổ thông đến đại học. Những kiến thức về biến đổi khí hậu, tác động của các hoạt động con người đối với môi trường, cũng như các giải pháp giảm thiểu phát thải, sẽ giúp hình thành thói quen và ý thức bảo vệ môi trường cho công dân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đồng thời, tăng cường các chiến dịch truyền thông đại chúng về vấn đề biến đổi khí hậu. Các chiến dịch này có thể bao gồm các chương trình truyền hình, bài viết trên các phương tiện báo chí, quảng cáo trên mạng xã hội, hoặc tổ chức các sự kiện cộng đồng, cung cấp cho cộng đồng những thông tin cụ thể về cách giảm phát thải như tiết kiệm năng lượng trong gia đình, sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì ô tô cá nhân, hoặc tham gia vào các hoạt động tái chế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên,... để nâng cao nhận thức của người dân về sự cấp bách của việc giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Các chuỗi siêu thị, các đại siêu thị đã từng bước xanh hoá quy trình phân phối (Ảnh: VnEconomy)
Đặc biệt, cần khuyến khích hành vi tiêu dùng bền vững, từ việc giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, thực phẩm chế biến sẵn đến việc ủng hộ các sản phẩm thân thiện với môi trường và có chứng nhận xanh. Người tiêu dùng cần được hướng dẫn để nhận diện những sản phẩm có lợi cho môi trường và biết cách thay đổi thói quen mua sắm để giảm thiểu tác động tiêu cực tới hệ sinh thái.
Ngoài ra, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ tiêu dùng xanh như hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình sử dụng năng lượng tái tạo, cấp chứng nhận xanh cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoặc giảm thuế đối với những sản phẩm có lợi cho môi trường. Đồng thời, người dân cũng cần được khuyến khích tham gia vào các chương trình tái chế và giảm thiểu chất thải.
Tố Quyên