Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 02/12/2024 | 02:53 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

TP.HCM phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” 

28/11/2024

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 5260/QĐ-UBND ngày 18/11/2024, phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giai đoạn đến năm 2050 tại TP.HCM. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược chuyển đổi năng lượng của thành phố, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Theo Quyết định, TP.HCM sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai Đề án JETP, với mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, TP.HCM sẽ tập trung vào việc thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Điều này bao gồm việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ và triển khai các kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện Tuyên bố JETP.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, truyền tải, tích trữ, phân phối và điều hành điện thông minh. Các hạ tầng này sẽ được thiết kế hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió. Đồng thời, TP.HCM sẽ tăng cường điện khí hóa, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và dần làm chủ công nghệ hiện đại trong ngành năng lượng.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: DMT Solar)
TP.HCM cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biệt là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng và các công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ CO2. Thành phố sẽ thúc đẩy sản xuất các loại nhiên liệu xanh như hydro xanh và amoniac xanh. Việc phát triển này không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra các cơ hội kinh tế mới, tạo việc làm cho người dân.
Để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, TP.HCM sẽ chú trọng đến các biện pháp bảo vệ đối với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như các hộ gia đình nghèo, người lao động và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thành phố sẽ triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực để người dân và doanh nghiệp có thể tận dụng các cơ hội từ hệ sinh thái năng lượng tái tạo. Đồng thời, các chiến lược tuyên truyền sẽ được thực hiện để nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Sau năm 2030, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, tập trung vào sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo, lưu trữ điện năng, cũng như phát triển các công nghệ thu hồi và sử dụng CO2, hydro xanh và amoniac xanh. Đồng thời, TP.HCM sẽ tăng cường hợp tác với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để quản lý và phát triển đô thị bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Việc thực hiện Đề án JETP không chỉ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng bền vững, hướng tới một tương lai không phát thải.
Thông qua những bước đi cụ thể và cam kết thực hiện mạnh mẽ, TP.HCM mong muốn trở thành một điển hình trong công cuộc chuyển đổi năng lượng công bằng, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải toàn cầu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho thành phố.
Tuệ Lâm