Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 06:49 GMT+7

Điển hình

VNSTEEL sản xuất đi cùng với bảo vệ môi trường

24/05/2024

Cùng với việc phát triển thị trường, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) chú trọng đầu tư để phát triển bền vững; đồng thời cam kết bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quốc gia; quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hướng đến phát triển bền vững
Để “Tồn tại và Phát triển trong Thế giới trung hòa cacbon”, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP luôn nỗ lực thực hiện các hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tối ưu hóa sản xuất, ứng dụng có hiệu quả các giải pháp giảm phát thải; tiết kiệm và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, ứng dụng chuyển đổi số; thực thi Luật Bảo vệ môi trường, triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động ứng phó với biển khí hậu và tăng trưởng xanh ngành công nghiệp giai đoạn đến 2030 tầm nhìn 2050.
VNSTEEL đã xây dựng chiến lược lâu dài để thích nghi, ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa việc phát thải CO2 trong quá trình sản xuất.
So với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, hiện 82% sản lượng thép thô của Tổng công ty là từ lò điện và 18% từ lò cao. Việc sản xuất tập trung vào hạ nguồn nên lượng phát thải ra môi trường không cao so với bình quân của ngành.
Cán bộ VNSTEEL giới thiệu tới Thủ tướng Phạm Minh Chính các định hướng chuyển đổi sang Thép Xanh tại Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 (SEAISI Conference & Exhibition 2024)
Để đáp ứng mục tiêu trên, chiến lược phát triển bền vững tới năm 2050 của VNSTEEL chia thành các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn. Với mục tiêu giảm 5 - 10% phát thải carbon ra môi trường đến 2025, doanh nghiệp này nâng cao hiệu suất hoạt động, giảm tiêu hao tại các cơ sở sản xuất thông qua nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao coke về mức bình quân chung.
Ngoài ra, Tổng công ty cũng linh hoạt trong sản xuất để thu hồi, sử dụng năng lượng hiệu quả trong cán thép, luyện gang thép và sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh thay thế phát thải thấp vào quá trình luyện, cán thép. Ở giai đoạn ngắn hạn này, doanh nghiệp nâng cấp hệ thống xử lý khí thải kết hợp công nghệ thu hồi, tái sử dụng năng lượng đồng thời hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn tại các nhà máy để nâng cao hiệu quả của các hệ thống xử lý chất thải công nghệ.
Với mục tiêu trung hạn đến năm 2030, VNSTEEL kỳ vọng sẽ giảm 20 - 30% phát thải, tập trung đầu tư thay thế công nghệ, thiết bị cũ và lạc hậu. Đến 2050, Tổng công ty hướng đến không phát thải ròng CO2, dành nguồn lực đầu tư mới, thay thế, bổ sung công suất đồng thời ứng dụng công nghệ giảm phát thải carbon vào quy trình sản xuất như sử dụng nguồn năng lượng xanh (điện gió, năng lượng mặt trời).
Nỗ lực và chờ sự đồng hành
Trong những năm qua, VNSTEEL đã không ngừng nỗ lực để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm thép với chất lượng vượt trội. Nhiều sản phẩm nổi bật được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại của Châu Âu và Nhật Bản như: Thép Miền Nam (V), Thép Tấm lá Phú Mỹ (PFS), Gang thép Thái Nguyên (Tisco), Thép Việt Úc (Vinausteel), Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long…
Không chỉ nỗ lực trong sản xuất, thời gian qua VNSTEEL đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo phát triển bền vững và hướng đến bảo vệ môi trường, tham gia có hiệu quả trong tiến trình giảm phát thải carbon chung của ngành thép nói riêng và cả nước nói chung.
Để đạt được những mục tiêu về sản xuất và thành công thực hiện mục tiêu trung hạn đến năm 2030, giảm 20 - 30% phát thải ra môi trường, không chỉ VNSTEEL mà toàn bộ các doanh nghiệp ngành thép đang cần sự đồng hành, hỗ trợ định hướng từ Chính phủ và các bộ, ngành ngay trong cơ chế, chính sách phát triển ngành thép nói riêng và các ngành phụ trợ khác phục vụ sản xuất thép nói chung. VNSTEEL cũng như các doanh nghiệp ngành thép đang mong đợi các chính sách phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo làm đầu vào cho sản xuất thép và các ngành công nghiệp được thông thoáng hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong đợi cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, chuyển giao cũng như tổ chức nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ giảm phát thải trong luyện thép được Nhà nước quan tâm hơn nữa để doanh nghiệp có thể phát triển lâu dài theo hướng bền vững. VNSTEEL và các doanh nghiệp đều mong muốn sớm có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp khi phát triển, ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất thép và sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, định hướng liên quan đến phát thải carbon trong ngành thép.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành thép cũng như VNSTEEL đang rất mong đợi các sân chơi lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước không chỉ để quảng bá, phát triển thương hiệu thép Việt Nam ra thế giới mà còn là cơ hội giao lưu trao đổi những nghiên cứu mới nhất về công nghệ, định hướng phát triển trong tương lai, học hỏi các sáng kiến cùng nhau khẳng định vai trò, vị thế của ngành khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế hiện nay. Để làm được điều này, VNSTEEL ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để tạo ra các sản phẩm thép chất lượng cao cũng cần đến sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tạo ra các cơ chế hài hòa, kích thích đầu tư và phát triển thị trường thép theo hướng hiện đại, hòa nhập và bền vững.
Theo: Công nghiệp và Môi trường