Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 08:36 GMT+7

Tin hoạt động

Ngành Thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh

21/09/2023

Ngày 13/9 tại Hà Nội, Hiệp hội Thép Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Ngành Thép Việt Nam hướng tới Chiến lược Tăng trưởng Xanh.
Hội thảo với sự tham dự của đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Hiệp hội thép Đông Nam Á, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC cùng hơn 200 doanh nghiệp trong ngành thép và một số chuyên gia độc lập.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết: Đây sẽ là diễn đàn cung cấp và trao đổi thông tin đa chiều và cập nhật nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam, các hiệp hội, ngành hàng, chuyên gia - nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng các cơ quan quản lý Nhà nước về quy định chính sách, pháp luật của Việt Nam, khu vực và quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp thép sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển phù hợp với Chiến lược xanh của đất nước và quốc tế. Việc phát triển ngành Công nghiệp thép Việt Nam hướng tới Chiến lược Tăng trưởng xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ đạo của Trung ương.
Ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học là những vấn đề quan trọng của nhân loại. Thời gian qua, trên toàn cầu đã có nhiều sáng kiến, giải pháp được nghi nhận như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp… Cùng với đó, đã hình thành các khung pháp lý và thoả thuận toàn cầu để định hướng lộ trình hành động vì khí hậu, như: Chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững, Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, Công ước đa dạng sinh học… đang được các quốc gia tích cực thực hiện.
Sản phẩm ống thép Hoà Phát sử dụng nhiều trong các công trình cầu đường, trong cấu tạo khung kết cấu thép, giàn chịu lực cho công trình quốc gia.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành Công Thương nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành.
Ông Tâm cũng đã giới thiệu về Chiến lược Tăng trưởng xanh của ngành Công Thương cũng như các hoạt động đang triển khai trong việc cập nhật, tạo dựng hành lang pháp lý cho việc thực hiện tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành Công Thương.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, công nghiệp thép Việt Nam trong thời gian qua đã từng bước phát triển cùng với sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và có nhiều đóng góp lớn vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, ngành Thép đã có bước phát triển và trở thành nhà sản xuất thép thô thứ 13 thế giới, đứng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm.
Ngành Thép Việt Nam đang từng bước nỗ lực chuyển đổi, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tận dụng nhiệt thừa trong quá trình sản xuất để phát điện... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành Thép vẫn là một ngành có phát thải khí nhà kính lớn và tác động tới môi trường. Theo tính toán của chuyên gia, ngành Thép chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và khoảng 46% các quá trình công nghiệp.
Việc chuyển đổi sản xuất thép từ "thép xám" sang "thép xanh" là xu thế không thể dừng lại và không nằm ngoài chủ trương phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam và thông qua hội thảo lần này là cơ hội để các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển xanh của thế giới và trách nhiệm thực hiện sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý trong nước và thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Quang Lộc - Trưởng Ban dự án Hòa Phát Dung Quất 2 cho biết: Hòa Phát sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các loại thép công nghệ cao, thép đặc biệt phục vụ ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp ôtô, đóng tàu, thép kết cấu… Đây cũng là các hướng phát triển sản phẩm của dự án Dung Quất 2 và các dự án sau này. Hòa Phát luôn quan tâm tối ưu hóa tất cả các khâu sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh, giảm phát thải CO2 theo định hướng chung của Chính phủ, hướng đến mục tiêu trung hòa cac-bon vào năm 2050. Hiện Hòa Phát đã và đang thực hiện 8 hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Đào tạo và thực hành cho cán bộ nhân viên Công ty theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, kiểm toán năng lượng, CBAM; sử dụng nhiệt dư khí nóng lò cốc sản xuất điện; áp dụng công nghệ dập cốc khô CDQ để sản xuất điện; sử dụng nhiệt dư sản xuất điện trong thiêu kết; tận dụng cán nóng từ đúc sang cán sử dụng lò nung; sử dụng công nghệ tuabin thu hồi năng lượng gió lò cao (BPRT). Hòa Phát cũng thay đổi phương thức vận chuyển nguyên liệu bằng băng tải thay ôtô, trồng cây xanh giúp hấp thụ khí CO2
Trong tương lai, Hòa Phát sẽ hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới về luyện kim nhằm nghiên cứu thực hiện lộ trình công nghệ luyện kim trung hòa các-bon. Một số giải pháp đã được tính đến như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ hoàn nguyên trực tiếp DRI; thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách dùng nhiên liệu khí thiên nhiên để hoàn nguyên quặng sắt, áp dụng công nghệ đúc cán liên tục để giảm tiêu hao năng lượng, tiến tới không phát thải CO2.
Theo: Báo Xây dựng