Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:22 GMT+7

Tin hoạt động

VNSTEEL: Bảo vệ môi trường bằng kinh nghiệm và trách nhiệm

23/12/2016

PV: Thưa ông, vấn đề môi trường trong sản xuất thép đang được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi đây là ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm cao, vậy Tổng công ty thép Việt Nam - CTCP đã có những chính sách, giải pháp nào để các đơn vị thành viên cùng thực hiện mục tiêu giảm thiểu tác động ra môi trường?

PTGĐ Nguyễn Đình Phúc:
Về sản xuất công nghiệp hầu như tất cả các ngành sản xuất đều phát sinh chất thải, lượng phát thải, sự tác động đến môi trường ít hay nhiều tùy thuộc vào đặc thù ngành nghề và trình độ công nghệ, cùng với ý thức kiểm soát, BVMT của từng doanh nghiệp.

Ngành sản xuất thép là ngành công nghiệp vật liệu cơ bản, nguyên liệu đầu vào là nguyên liệu tự nhiên như quặng sắt, than, đá vôi hoặc tái chế từ sắt thép phế thải. Nên có thể nói ngành sản xuất thép đã tạo ra một lượng lớn chất thải (rắn, khí) nhưng nói đến khả năng gây ô nhiễm hoặc tác động xấu đến môi trường thì chúng ta cần phải xem xét thành phần chất chất thải là gì và hàm lượng thế nào? Đây là một vấn đề mang tình chuyên môn sâu và cần nhìn nhận dưới góc độ khoa học, công nghệ, không thể cảm tính được.

Vấn đề môi trường trong sản xuất thép được Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP rất quan tâm và coi trọng, đã cụ thể hóa bằng những văn bản yêu cầu đối với các Công ty thành viên thực hiện nghiêm túc việc sản xuất đảm bảo môi trường. Quan trọng nhất đối với chúng tôi là truyền đạt để cho các đại diện vốn của Tổng công ty tại các ơơn vị thành viên hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, là nhiệm vụ then chốt cho sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp. Công tác bảo vệ môi trường là xuất phát từ thực tế, từ người lao động, tuyệt đối không làm đối phó. Khi lãnh đạo các Công ty thành viên nhận thức đúng đắn về môi trường thì việc thực thi bảo vệ môi trường mới hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi cũng hiểu rằng, muốn xử lý môi trường triệt để thì tốn kinh phí cải tạo, duy trì hoạt động của các thiết bị này vì vậy việc quản trị sản xuất có hiệu quả mà vẫn duy trì tình trạng môi trường đó là yêu cầu được đặt ra. Trong hệ thống của VNSTEEL, các đơn vị thành viên có tình trạng thiết bị không đồng đều, công nghệ khác nhau, tuổi đời thiết bị khác nhau vì vậy VNSTEEL đã yêu cầu các Công ty thành viên xây dựng kế hoạch từng bước để cải tạo thiết bị theo từng giai đoạn để đảm bảo Công ty hoạt động có hiệu quả mà đảm bảo vấn đề về môi trường môi trường. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt này mà một số đơn vị đang làm rất tốt, tuy nhiên, còn một vài đơn vị làm chậm, Tổng Công ty tiếp tục kiểm tra nhắc nhở để đảm bảo các Công ty thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường chung.

Gần đây, sự cố thảm họa môi trường ở miền Trung khiến dư luận cũng như quần chúng nhân dân rất hoang mang về vấn đề môi trường của ngành thép, do vậy, VNSTEEL đã có kế hoạch phối hợp với Viện luyện kim, Hiệp hội thép Đông Nam Á (SEAISI) các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực luyện kim, tổ chức hội thảo về vấn đề môi trường của ngành thép để chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng Nhật bản, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc các quốc gia này cách đây vài chục năm đã và đang sản xuất khoảng nửa tỷ tấn và các khu liên hợp cũng tập trung ở những cảng biển lớn nhưng chưa nơi nào xảy ra sự cố môi trường như Fomosa gây ra tại Việt Nam.

PV: Sản xuất kinh doanh từ khâu hạ nguồn, thượng nguồn với đa dạng sản phẩm như: luyện gang, luyện thép, cán thép, sản xuất tôn mạ kẽm mạ màu, cơ khí… VNSTEEL cùng các đơn vị đã cụ thể hoá các mục tiêu BVMT thành chương trình hành động trong xử lý khí thải, chất thải rắn như thế nào, thưa ông?

PTGĐ Nguyễn Đình Phúc: VNSTEEL là đơn vị tiên phong của ngành thép Việt Nam với gần 60 năm kinh nghiệm và có mối quan hệ sâu rộng với các Viện nghiên cứu cũng như các chuyên gia hàng đầu trong nước cũng như nước ngoài để phối hợp nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm tồi đa hiệu suất thu hồi nguyên liệu, tái sử dụng phần lớn chất thải để tạo ra nguyên liệu cho ngành khác và hạn chế phát thải.

Với nền tảng kỹ thuật sâu rộng như vậy nên trước khi thực hiện/liên kết đầu tư, chúng tôi đã có nghiên cứu rất đầy đủ đối với từng công nghệ, từ đó xác định rất chi tiết khối lượng, hàm lượng của từng chất thải, từ đó đầu tư thiết bị công nghệ cũng như xây dựng chương trình, biện pháp xử lý và giảm thiểu phát thải. Đây là một chương trình hành động xuyên suốt cả vòng đời của một dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, yêu cầu BVMT ngày càng cao nên việc cập nhật, đầu tư cải tạo các công trình BVMT luôn được chú trọng. VNSTEEL đã thực hiện quán triệt đến tất cả các Đại diện vốn tại các đơn vị thành viên phải có chương trình hành động thật cụ thể nhằm BVMT theo nguyên tắc: tăng hiệu quả thu hồi vật tư nguyên liệu, tái sử dụng chất thải và giảm thiểu phát thải qua từng năm.

Tôi ví dụ. Đối với việc phân loại từng đối tượng sản xuất: lò cao, lò điện, cán nguội, mạ kẽm, mạ màu, cán ống … Tổng công ty yêu cầu các công ty thành viên xây dựng kế hoạch xử lý môi trường bao gồm: Đánh giá thực trạng đơn vị mình, đưa ra kế hoạch duy trì, phục hồi, cải tạo theo từng giai đoạn để dây chuyền hoạt động đảm bảo theo yêu cầu của môi trường đặt ra. Theo kế hoạch này, Tổng công ty sẽ giám sát thực hiện chương trình bảo vệ môi trường tại các công ty thành viên. Cụ thể đối với chất thải rắn từ luyện kim ra là chất thải thông thường nhưng theo quy định phải qua đơn vị chức năng thu gom xử lý để làm nguyên liệu cho: san lấp, làm gạch, xi măng …, khói bụi thu gom phải làm kho kín và chứa vào trong kho, thực hiện bàn giao cho các đơn vị mà Bộ tài Nguyên Môi trường đã cấp giấy phép có khả năng xử lý, khói phát tán đã thực hiện việc phục hồi và mở rộng hệ thống hút bụi tại các Công ty thành viên và yêu cầu lắp hệ thống quan trắc khí tự động để đảm bảo thiết bị hoạt động liên tục không gián đoạn và đặc biệt thiết bị phải thường xuyên dược bảo trì và thay thế túi lọc vải.

PV: Trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh hiện nay, đổi mới công nghệ, sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường được xem là “cuộc chinh phục xanh” góp phần tạo chỗ đứng và giảm thiểu ô nhiễm cho các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay, quan điểm của VNSTEEL về vấn đề này như thế nào thưa ông?

PTGĐ Nguyễn Đình Phúc:
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, vần đề BVMT và phát triển bền vững được đặt ra không chỉ riêng ngành thép mà mọi ngành sản xuất và mọi loại hình doanh nghiệp đều phải quan tâm. Thoạt nhìn thì chúng ta đều có suy nghĩ là đầu tư cho công tác BVMT sẽ làm tăng chi phí nhưng qua kinh nghiệm của VNSTEEL, vấn đề BVMT, cải thiện môi trường làm việc có vai trò thúc đẩy năng suất và hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Ngày nay, người lao động cũng như người tiêu dùng có trình độ nhận thức cao đối với môi trường làm việc, môi trường sống và sự chọn lựa sản phẩm dịch vụ. Người lao động sẽ toàn tâm toàn ý lao động sản xuất trong điều kiện môi trường làm việc, môi trường sống được quan tâm, được đảm bảo, từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất sẽ được tăng lên đáng kể. Tương tự như vậy, người tiêu dùng sẵn sàng mua sản phẩm dịch vụ với giá cao hơn khi biết được sản phẩm dịch vụ đó được cung cấp bởi những doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch.

Trong những năm gần đây, các đối tác tiêu thụ thép của VNSTEEL trong và ngoài nước, đặc biệt là các đối tác là những nhà đầu tư các công trình lớn thường xuyên tham quan các dây chuyền sản xuất của VNSTEEL. Ngoài việc xem xét sản phẩm của VNSTEEL được quản lý sản xuất, kiểm tra thử nghiệm về chất lượng như thế nào, thì việc VNSTEEL chú trọng và cam kết như thế nào về quá trình sản xuất theo quan điểm xanh, sạch và phát triển bền vững cũng là một yếu tố quan trọng để họ quyết định việc hợp tác mua bán. Đây là một yếu tố rất tích cực mà VNSTEEL cho rằng là thực sự cần thiết để đảm bảo sự cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu.

Và Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP là Tổng công ty nhà nước duy nhất trong lĩnh vực sản xuất thép nhất quán quan điểm phát triển bền vững là sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Trong chỉ đạo xuyên suốt toàn hệ thống, vấn đề môi trường được quan tâm đặc biệt, sự phát triển bền vững của Tổng công ty luôn được đặt trong sự phát triển của nền kinh tế nước nhà nói chung.

PV: Từ bài học đau xót về sự cố môi trường của ngành công nghiệp luyện kim thời gian qua, chắc chắn Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP với kinh nghiệm cũng như trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước duy nhất hoạt động trong lĩnh vực này luôn phải chuẩn bị cho mình những tình huống đối phó sự cố môi trường. Xin ông hãy chia sẻ về điều này?

PTGĐ Nguyễn Đình Phúc:
Thứ nhất, VNSTEEL là doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi là người dân Việt Nam, nên phải luôn quán triệt trong nội bộ Lãnh đạo Tổng công ty, các đơn vị thành viên nhận thức đúng đắn và có trách nhiệm việc bảo vệ môi trường của đất nước ta. Đây là vấn đề của một doanh nghiệp nhưng lại có liên quan đến một quốc gia, liên quan mật thiết đến sự phát triển bền vững và cho sự phát triển mai sau của đất nước.

Thứ hai, liên quan đến nội tại VNSTEEL. Đối với các đơn vị thành viên, với dây chuyền sản xuất hiện Tổng công ty đã yêu cầu các đơn vị phải có kế hoạch thực hiện việc vận hành hệ thống, cải tạo hệ thống và thực hiện nghiêm túc việc xử lý môi trường. Tổng công ty sẽ giám sát thực hiện để đi đến một mục tiêu lớn là toàn hệ thống Tổng công ty sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường. Đặc biệt vấn đề xử lý chất thải rắn, khói, bụi và nước thải. Bên cạnh đó, liên quan đến trình độ công nghệ, mỗi đơn vị buộc phải áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật để xử lý triệt để, lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động để đảm bảo thiết bị được vận hành liên tục và được chăm sóc bão dưỡng định kỳ.

Thứ ba, đối với các dự án mới, VNSTEEL sẽ ưu tiên đến từ các tập đoàn sản xuất thiết bị lớn của Châu Âu, Nhật, Mỹ để chọ lựa những công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường đáp ứng theo tiêu chí phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường.

Và cuối cùng, việc xử lý môi trường cần kinh phí. VNSTEEL đã chỉ đạo trong toàn hệ thống bố trí kinh phí có chi phí cho việc đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý bụi, nước, chất thải để dây chuyền hoạt động đảm bảo về tiêu chuẩn môi trường.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!