Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:53 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Tái sử dụng nước thải ở Việt Nam

24/10/2023

Thế giới đang đứng trước các nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, hạn hán trong khi đó các nhà máy công nghiệp hiện nay sử dụng một lượng nước sạch khổng lồ mỗi ngày để sản xuất và sử dụng cho các quá trình khác nhau. Đứng trước thực tế này, việc lựa chọn các giải pháp tái sử dụng nước thải phục vụ vào sản xuất có thể đem lại những lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế cũng như giải quyết vấn đề thiếu nước trầm trọng như hiện nay.
Tái sử dụng nước thải là giải pháp chung tay tiết kiệm nguồn nước trên thế giới
Tái sử dụng nước thải là quá trình sử dụng các công nghệ và thiết bị để xử lý nguồn nước thải sau xả thải thành nước sạch đầu ra phù hợp với các tiêu chuẩn để thu hồi sử dụng cho quá trình sản xuất, vệ sinh nhà xưởng, đường xá, hệ thống làm mát, tưới cây trong các nhà máy, khu công nghiệp.
Tái sử dụng nước thải giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước sạch, giải quyết vấn đề thiếu nước sạch trên thế giới, tránh lãng phí và thất thoát nước sạch trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tái sử dụng nước mang lại giá trị kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp, tăng giá trị sản phẩm và nhận diện thương hiệu, góp phần tạo dựng và duy trì sự cân bằng của môi trường sinh thái với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Việc áp dụng công nghệ tái sử dụng nước thải vừa giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, vừa giúp tiết kiệm chi phí 2 đầu cho doanh nghiệp bao gồm: chi phí nguồn nước sạch đầu vào và chi phí cho bên thứ ba thu gom xử lý đạt chuẩn để xả thải ra môi trường.
Nước thải sau xử lý được tái sử dụng cho nhiều mục đích như phục vụ các hoạt động tại khu vực đô thị (chăm sóc cảnh quan, tẩy rửa, rửa đường…); phát triển nông nghiệp (trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản); tái sử dụng nước thải trong công nghiệp; bảo vệ môi trường (duy trì dòng chảy, phát triển cảnh quan…); cấp nước sinh hoạt (trực tiếp, gián tiếp)… Tái sử dụng nước thải được xem là giải pháp hữu hiệu và phù hợp ở các thành phố lớn nhằm giảm áp lực cho các nhà máy cung cấp nước sạch.
Ngoài ra tái sử dụng nước cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường như: Giảm thiểu ô nhiễm và lưu lượng nước thải đối với nguồn tiếp nhận; Tăng nguồn cấp nước cho các nhu cầu sản xuất; Đem lại lợi ích cho nông nghiệp cũng như một số ứng dụng trong đô thị (tưới tiêu, chữa cháy, tạo cảnh quan…); Cải thiện môi trường, cải thiện nguồn nước mặt và nước ngầm…
Nước thải sau xử lý được tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau
Các giải pháp tái sử dụng nước thải đang được sử dụng tại Việt Nam hiện nay
Tái sử dụng nước thải để tưới cây
Để tái sử dụng nước cho mục đích tưới cây xanh trong khuôn viên cơ sở thì chủ cơ sở có trách nhiệm xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định tại QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột B1 trước khi tái sử dụng.
Khi xây dựng phương án tái sử dụng nước để tưới cây, trong đó nêu rõ yêu cầu sử dụng nước để tưới cây cụ thể trong từng thời gian, cân bằng lượng nước tưới với lượng nước thải phát sinh hằng ngày, có phương án tiêu thoát hoặc vận chuyển lượng nước thải còn dư để xả vào các nguồn nước mặt, nước biển, không được xả vào lòng đất dưới bất kỳ hình thức nào.
Phương án tái sử dụng nước phải được thẩm định và kiểm soát chặt chẽ, tránh việc lợi dụng tái sử dụng nước để đưa nước thải vào các tầng chứa nước dưới đất.
Tái sử dụng nước thải cho nhà vệ sinh
Việc sử dụng nước thải tái sử dụng cho việc dội nhà vệ sinh công cộng các khu vực thành phố lớn giúp làm giảm nhu cầu dùng nước sạch hiện nay. Tính khả thi của việc tái sử dụng nước thải cho nhà vệ sinh phụ thuộc chủ yếu vào khả năng thiết kế, thi công hệ thống ống cấp nước và chi phí cơ sở hạ tầng liên quan.
Tái sử dụng nước thải để rửa đường
Trong trường hợp, chăm sóc và bảo trì đường bộ sử dụng một lượng lớn nước thải tái sử dụng với những yêu cầu chất lượng cụ thể như nước có mùi, có tính ăn mòn hoặc có màu không được sử dụng. Nước còn được dùng trong việc kiểm soát bụi (dập bụi), hay rửa đường phố.
Tái sử dụng nước thải cho sản xuất
Lưu lượng nước thải cho sản xuất chiếm khoảng 20% lượng nước ngọt toàn cầu. Dự báo nhu cầu dùng nước đến năm 2025 tăng 1.5 lần. Do đó, tái sử dụng nước thải cho sản xuất không chỉ đem lại lợi ích chung về môi trường mà còn góp phần giảm thiểu đáng kể những chi phí sản xuất, thu hồi được tài nguyên nước, đặc biệt là giảm các chi phí liên quan đến xử lý nước thải và xả thải vào nguồn tiếp nhận.
Tái sử dụng nước thải cho xử lý khí thải
Nước thải sau qua khi qua xử lý có thể được sử dụng vào hệ thống xử lý khí thải để tiết kiệm tối đa nguồn năng lượng cũng như chi phí. Cụ thể nước thải có thể được tái sử dụng ở buồng phun sơn màng nước, tháp hấp phụ…
Tái sử dụng nước thải để giải nhiệt nhà xưởng
Phun nước làm mát mái tôn nhà xưởng là phương pháp giải nhiệt nhà xưởng sử dụng máy bơm cấp nước với áp lực cao vào hệ thống ống dẫn có gắn đầu phun trên mái. Các đầu phun được bố trí theo thiết kế phù hợp sẽ phun nước trên mái với áp lực mạnh và tỏa đều ra toàn bộ mái. Do đó để tiết kiệm chi phí và năng lượng, có thể thay thế nước cấp bằng nước thải đã tái xử lý để sử dụng.
Tái sử dụng nước thải cho phòng cháy chữa cháy
Tái sử dụng nước thải với mục đích chữa cháy cũng là một cách tiết kiệm cho ngân sách, vừa tận dụng nguồn nước. Giúp tiết kiệm nguồn nước, vì trong công tác phòng cháy chữa cháy phải cần một lượng nước rất lớn, do đó nếu tận dụng được nguồn nước tái sử dụng để chữa cháy sẽ tiết kiệm tốt đa ngân sách.
Quản lý tái sử dụng nước thải ở Việt Nam
Ở Việt Nam, để quản lý nước thải, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2014/NĐ-CP về quản lý thoát nước và xử lý nước thải; Nghi định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, khuyến khích giảm thiểu và tái sử dụng nước thải; Nghị định 54/2015/NĐ-CP quy định rõ các ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, trong đó bao gồm hoạt động tái sử dụng nước… Các Nghị định này mới chỉ có ý nghĩa là văn bản về chính sách và đường lối chỉ đạo của quản lý nhà nước.
Trong Nghị định 80/2014/NĐ-CP, Điều 24 Nghị định này quy định về quản lý, sử dụng nước thải sau xử lý phải tuân thủ các TCVN, QCVN được quy định cho việc sử dụng nước vào các mục đích khác nhau, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Trường hợp sử dụng nước thải sau xử lý thì nước thải đó phải được phân phối đến điểm tiêu thụ theo hệ thống riêng biệt, đảm bảo không thâm nhập và ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước sạch trên cùng địa điểm, khu vực. Điều 24 của Nghị định này cũng quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành TCVN, QCVN về sử dụng nước thải sau xử lý.
Trong Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Điều 36 quy định nguyên tắc chung về quản lý chất thải cũng nêu rõ khuyến khích giảm thiểu và tái sử dụng nước thải: Nước thải phải được quản lý thông qua các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; khuyến khích các hoạt động nhằm giảm thiểu, tái sử dụng nước thải. Điều 40 của Nghi định 38/2015/NĐ-CP cũng nhấn mạnh: Nước thải sau xử lý phải được thu gom cho mục đích tái sử dụng. Việc tái sử dụng nước thải sau xử lý phải tuân thủ các qui định cụ thể cho từng mục đích sử dụng.
Để thực thi các Điều 23, 24 của Nghị định 80/2014/NĐ-CP và các Điều 36, 40 Nghị định 38/2015/NĐ-CP, đến nay chỉ có một Thông tư có nội dung đề cập đến khả năng tái sử dụng nước thải đó là Thông tư 04/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng về quản lý xử lý nước thải phi tập trung. Thông tư này có đề cập đến công nghệ áp dụng để thực hiện xử lý nước thải phi tập trung là “bãi lọc trồng cây” và công nghệ “hồ điều hòa”. Theo cách hiểu chung, nếu áp dụng công nghệ này thì có nghĩa là nước thải được thu gom và có thể được tái sử dụng.
Về cơ bản việc quản lý tái sử dụng nước thải ở Việt Nam đã được triển khai từ lâu, tuy nhiên đến nay về sử dụng nước thải sau xử lý phù hợp theo với từng mục đích sử dụng nguồn nước thải tái chế (Điều 24 Nghị định 80/2014/NĐ-CP) chưa được thực hiện đầy đủ, hiệu quả.
Để tăng cường công tác quản lý tái sử dụng nước thải, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bổ sung Điều 58 quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 3 mức độ: khuyến khích áp dụng; có lộ trình áp dụng và bắt buộc áp dụng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo vừa bảo vệ môi trường hiệu quả vừa mang kinh tế cao khi tiết kiệm được lượng lớn tài nguyên nước trong các hoạt động sản xuất; giải quyết vấn đền khan hiếm nước trong tương lai.
Cùng với đó, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sớm triển khai xây dựng ban hành các quy chuẩn, hướng dẫn cụ thể về việc tái sử dụng nước thải để đáp ứng nhu cầu tái sử dụng nước ngày càng tăng của doanh nghiệp và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động này bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý trước khi đem vào tái sử dụng.
Theo: Công nghiệp và Môi trường