Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:26 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bán lẻ: Hành vi tiêu dùng là nhân tố quan trọng

18/10/2023

Hành vi tiêu dùng sẽ là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy nhà phân phối và sản xuất thực hiện kinh tế tuần hoàn, sản xuất và phân phối xanh.
Cầu nối thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng xanh
TS. Lại Văn Mạnh – Trưởng phòng Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (Viện Chính sách, Chiến lược Tài nguyên và Môi trường) - chia sẻ: Hoạt động bán lẻ có vai trò tác nhân trung gian giữa người sản xuất, tiêu dùng cuối cùng (2 chủ thể chính của nền kinh tế). Để thực hiện kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải trong các chuỗi cung ứng, đòi hỏi các tác nhân tham gia hoạt động bán lẻ phải phát huy được vai trò như: Thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nhà sản xuất trong nền kinh tế thông qua hoạt động mua bán, làm sao để người tiêu dùng từ chối sản phẩm gây hại cho môi trường, đồng thời tạo dựng văn hóa tuần hoàn trong mua sắm và tiêu dùng.
Thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sản phẩm thân thiện với môi trường. Ảnh: Moit
Tuy nhiên, để thực hiện việc này, lĩnh vực bán lẻ cũng chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức như: Nhà cung cấp và nhà phân phối chưa quan tâm đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Nếu các nhà cung cấp và nhà phân phối không chú trọng đến việc tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu chất thải, quá trình thực thi kinh tế tuần hoàn sẽ gặp khó khăn.
Cũng theo TS. Mạnh, chúng ta đang thiếu hệ thống thu thập và xử lý chất thải hiệu quả. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực phân phối bán lẻ có thể đòi hỏi công nghệ và cơ sở hạ tầng mới để hỗ trợ việc tái chế và tái sử dụng, điều này cũng là rào cản nếu công nghệ và cơ sở hạ tầng không phát triển kịp với yêu cầu của thị trường.
Cần đồng thuận từ nhiều bên
Hiện, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chí về kinh tế tuần hoàn cũng như xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Để xây dựng hệ thống tiêu chí kinh tế tuần hoàn, TS. Mạnh cho rằng một số yếu tố cần được quan tâm. Cụ thể, tiêu chí kinh tế tuần hoàn cần đảm bảo rằng sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu trong quá trình sản xuất, tiêu dùng và tái chế hiệu quả nhất. Nó đòi hỏi tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, giảm thiểu chất thải và tăng cường tái sử dụng, tái chế tài nguyên có thể.
Xây dựng tiêu chí kinh tế tuần hoàn cần yêu cầu cải tiến công nghệ và quy trình để hỗ trợ việc tái chế, tái sử dụng và giảm chất thải; phải đảm bảo rằng quy trình sản xuất và tiêu dùng không tạo ra lượng chất thải và ô nhiễm vượt quá khả năng xử lý của môi trường.
Ngoài ra, tiêu chí cần phải đảm bảo khả năng thực thi giám sát, tính bền vững thông qua việc mang lại lợi ích dài hạn cho tất cả các bên liên quan và không gây tổn hại lâu dài đến tài nguyên thiên nhiên, tính khả thi kỹ thuật và kinh tế…
“Quá trình thực thi kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản và thách thức, đòi hỏi sự đồng thuận và hỗ trợ từ nhiều phía. Đối với lĩnh vực phân phối bán lẻ, việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự thay đổi văn hóa tiêu dùng, cải thiện cơ sở hạ tầng và công nghệ để hỗ trợ việc tái chế và tái sử dụng chất thải” - TS. Mạnh nhận định.
Theo: Báo Công Thương