Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:05 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững

04/02/2021

Ngày 18-12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì Hội thảo chuyên đề "Kinh tế tuần hoàn - Mô hình phát triển bền vững cho doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng", nhằm mục tiêu tìm kiếm giải pháp thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu và khuyến khích phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế để thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo chuyên đề "Kinh tế tuần hoàn - Mô hình phát triển bền vững cho doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng"
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh nhận định, trước thách thức tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, nhiều quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới đã thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế bền vững – nền kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết để hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, ít carbon, vững mạnh và cạnh tranh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, Việt Nam tuy đạt được những thành quả về phát triển bền vững nhưng cũng phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch cạn kiệt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho tái chế. Vì thế, lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là một tất yếu để thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững, tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là nguyên vật liệu sản xuất.
Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết, nhằm mục đích thúc đẩy thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 5638/KH-UBND ngày 24-8-2020 về thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn được xác định vai trò trọng tâm trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Thông qua hội thảo, lãnh đạo thành phố mong muốn lắng nghe những góp ý, đề xuất cho việc định hướng, thúc đẩy sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong satn xuất và tiêu dùng bền vững, giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần thúc đẩy tăng trường kinh tế ổn định và bền vững tại thành phố Đà Nẵng. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả, đại diện doanh nghiệp đã cùng trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về mô hình kinh tế tuần hoàn, những khó khăn, thách thức đối với việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố, cũng như đề xuất một số giải pháp xây dựng kinh tế tuần hoàn cho Đà Nẵng, thông qua các tham luận như: Kinh tế tuần hoàn - Những bước đi ban đầu cho một tương lai lâu dài của thành phố Đà Nẵng; Du lịch Đà Nẵng hướng đến du lịch xanh; Bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hướng đến thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; Vai trò của chuyển đổi số trong nền kinh tế tuần hoàn…
Theo các chuyên gia, mô hình kinh tế tuần hoàn được hiểu là hệ thống kinh tế có tính tái tạo và khôi phục thông qua việc thay đổi hàng hoá, dịch vụ từ khâu thiết kế, sản xuất và tiêu dùng. Qua đó, kéo dài tuổi thọ của nguyên vật liệu, năng lượng trong chuỗi giá trị trong suốt vòng đời sản phẩm, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường. Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, đem lại nhiều lợi ích cho môi trường, nền kinh tế, cho doanh nghiệp và cộng đồng xã hội
Tuy nhiên, hiện nay mô hình này vẫn chưa có được sự phát triển như mong đợi do còn gặp nhiều rào cản, cụ thể như, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi doanh nghiệp phải tốn thêm các chi phí đầu tư ban đầu, điều này giảm khả năng cạnh tranh, giảm lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cấu trúc tổ chức quản lý, điều hành doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn có thể dẫn đến rối loạn, rủi ro cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, thách thức về công nghệ cũng là một trong những rào cản lớn đối với mô hình kinh tế tuần hoàn.
Hướng đến xây dựng kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng, các chuyên gia đề xuất, thành phố cần xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể cho quá trình chuyển đổi, phát triển doanh nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó ưu tiên giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon phát thải ra môi trường. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn như áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, xem chất thải phải là nguồn tài nguyên cả về mặt sản xuất và tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng, thành phố cần định hướng doanh nghiệp phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi đổi mới công nghệ là cốt lõi, là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình này hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, đồng thời tạo được cơ hội việc làm mới.
Theo www.danang.gov.vn