Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 18:16 GMT+7

Điển hình

Bát Tràng từ làng nghề ‘khói bụi’ tới làng nghề ‘xanh’

06/09/2023

Nhiều năm trước, du khách khi đến với làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đều cảm thấy khó chịu từ mùi khói tỏa ra ở những lò nung gốm. Tuy nhiên, những năm gần đây, bằng sự nỗ lực không ngừng, Bát Tràng đang dần dần thay đổi diện mạo và trở thành mô hình sáng về phát triển làng nghề “xanh”.
Một xưởng sản xuất tại làng nghề Bát Tràng
Làng nghề ô nhiễm từ khói bụi
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng là một làng nghề truyền thống có từ lâu đời, nổi bật với các sản phẩm gốm sứ cao cấp đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Bát Tràng có thời kì rơi vào khủng hoảng vì ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến thương hiệu, hình ảnh, chất lượng làng nghề.
Trước đây, người dân Bát Tràng thường dùng lò than để nung gốm. Mỗi mẻ nung liên tục trong 3-5 ngày liền, vì thế lượng khí thải phát tán ra môi trường là rất lớn. Trung bình mỗi mẻ nung gốm bằng than thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn.
Bên cạnh đó là mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tải, xe cải tiến chở nguyên vật liệu, gây ra tình trạng khói bụi ô nhiễm. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất gốm sứ những hóa chất dùng để nâng cao chất lượng, bảo quản sản phẩm, để làm chất liệu men, sơn vẽ… đã gây hại trực tiếp tới môi trường không khí ở làng nghề.
Không những thế, bụi đất, bụi than và phế phẩm, gốm sứ vỡ hỏng được chất đống bên đường, tạo thành đống bùn nhão lầy lội, bẩn thỉu mỗi khi mưa trút xuống.
Khi đó, để hạn chế sự ảnh hưởng của khói bụi người dân mới chỉ áp dụng các biện pháp đơn giản như phun nước, bịt khẩu trang, đội mũ kín... trong khi điều cần có là quy trình sản xuất cần được cải tiến để giảm thiểu ô nhiễm – vấn đề mà bất cứ làng nghề truyền thống nào cũng đau đầu giải quyết.
Ông Trần Đức Tân, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng chia sẻ, trước đây, người dân làng nghề sử dụng lò nung truyền thống như lò ếch, lò bát đàn, lò bầu… với nguyên liệu nung đốt là củi và than; mỗi mẻ gốm phải nung liên tục từ 6-8 ngày. "Người lao động phải làm việc hết sức nặng nhọc trong môi trường khói bụi, nóng bức. Không những thế, thời điểm đó, đi đến đầu làng Bát Tràng là đã thấy lấm lem bụi than, rất mất mỹ quan, kèm theo đó là mùi khói lò nồng nặc", ông Tân nói.
Trước hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường đất... Bát Tràng đã quyết tâm thực hiện những giải pháp đề ra để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đổi thay nhờ công nghệ sạch
Người dân thăm quan, mua sắm các sản phẩm gốm của làng nghề Bát Tràng. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Song song với việc mở rộng không gian sản xuất, duy trì sự sinh tồn của làng nghề là việc cải tiến kỹ thuật mà trước hết là cải tiến lò nung gốm. Trong đó, nổi bật nhất là thay thế lò hộp bằng lò con thoi (lò gas).
Hiện nay, gần 100% cơ sở sản xuất ở Bát Tràng sử dụng lò nung gas và điện. Với kiểu lò nung mới này, mỗi mẻ gốm đưa vào nung chỉ hết 15-20 giờ, áp dụng tự động hóa, vận hành dễ dàng, kiểm soát nhiệt từ xa.
"Sản phẩm ra lò đạt trên 90% là loại 1, tiết kiệm được 30% tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên một đơn vị sản phẩm và lợi nhuận cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ. Đặc biệt, đã loại bỏ được 100% chất thải rắn, khói bụi, giảm 60% sức lao động trong môi trường độc hại", ông Hà Văn Lâm, Trưởng Ban đại diện nhân dân làng nghề gốm Bát Tràng cho hay.
Theo bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, so với các loại hình lò truyền thống, việc xây cất một chiếc lò gas sẽ có giá thành cao hơn rất nhiều lần nhưng mang lại hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm, giảm sức người, giảm thời gian và đặc biệt là cải tiến được môi trường rõ rệt. "Giờ đây, mọi người có thể hít thở, tận hưởng không khí trong lành tại Bát Tràng mà không phải lo khói bụi nữa", bà Vinh nói.
Để sản xuất sạch hơn, từ thực tiễn của địa phương, làng nghề Bát Tràng đã làm chủ được lò nung gas khí hóa lỏng nhưng để tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí, bà Hà Thị Vinh cho rằng, cần thiết kế lò gas mới, chọn vật liệu chịu lửa đúng loại, trang thiết bị đúng chỉ số kỹ thuật, phù hợp nhu cầu sử dụng của sản phẩm nung đốt.
Thời gian tới, có thể khuyến khích áp dụng điện mặt trời cho việc sấy và hòa lưới điện, phục vụ những lò điện sản phẩm có nhiệt độ dưới 1.200 độ C cũng là điều kiện tốt cho làng nghề góp phần thay thế năng lượng khí gas hóa lỏng, giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường làng nghề; có chính sách khuyến khích người sản xuất đầu tư thiết bị, tạo ra năng lượng mới bảo đảm môi trường xanh...
Theo: Chinhphu.vn