Từ nhiều năm nay, bằng những nỗ lực không ngừng, Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đang dần thay đổi diện mạo và trở thành mô hình sáng về phát triển làng nghề. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại cùng với sự tiến bộ của người thợ sản xuất đang giúp cho kinh tế người dân cải thiện rõ rệt và môi trường làng nghề ngày càng xanh, sạch hơn.
Nhiều rủi ro từ công nghệ cũ
Bát Tràng được biết đến là làng nghề gốm sứ truyền thống gần 1.000 năm tuổi ven sông Hồng với hàng trăm nghìn sản phẩm gốm sứ nổi tiếng trong và ngoài nước. Sức sống của làng nghề truyền thống ven đô ấy được “thổi” bởi hàng ngàn lò nung gốm đốt than cháy đêm ngày. Cách làm thủ công bao đời truyền lại đã khiến gần 2.000 hộ làm nghề ở Bát Tràng đối mặt với không ít rủi ro từ chính phương thức sản xuất lạc hậu – lò hộp đốt than.
Sự thay đổi về ý thức sản xuất sẽ giúp kinh tế Bát Tràng phát triển hơn Trước năm 2000, với khoảng 1.000 lò hộp đốt than, mỗi năm Bát Tràng tiêu thụ khoảng 70.000 tấn than và 100.000 tấn vật liệu để sản xuất các sản phẩm gốm sứ. Quá trình sản xuất này đã thải ra môi trường khoảng 130 tấn bụi/năm, làm rơi vãi, loại bỏ khoảng 225 tấn đất vật liệu và than, khoảng 6.800 tấn tro sỉ/năm. Không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi hàng ngày có khoảng 2.000 tấn khí độc hại gồm CO, CO2, SO2, H2S, Hydrocacbon bủa vây cuộc sống con người. Lò nung bằng than đã gây nên những tác hại lớn tới đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Bát Tràng gần như ngộp thở trong bầu không khí bị ô nhiễm nặng bởi khói than và gỗ đốt lò. Khói bụi từ các lò than khiến không khí mù mịt, nhiệt độ trong làng luôn cao hơn các nơi khác từ 3 – 4 độ C. Đường làng, ngõ xóm đen ngòm vì bụi than gây mất mỹ quan và gây ra nhiều bệnh tật về đường hô hấp cho người dân trong vùng.
Bên cạnh những hậu quả nghiêm trọng về môi trường do lò nung bằng than đem lại, người làm gốm còn đứng trước những lo ngại về chi phí đầu vào, đặc biệt là lượng than đem vào đốt quá lớn. Việc lấy công làm lãi cũng không còn đảm bảo cho cuộc sống của những hộ gia đình làm nghề đang cố giữ lấy nghề tổ của cha ông. Trước thực trạng đó, Bát Tràng đứng trước yêu cầu buộc phải thay đổi để bảo vệ môi trường làm nghề và tiếp tục sản xuất kinh tế.
Hiệu quả từ công nghệ mới
Khi Bát Tràng đang trở thành điểm nóng của ô nhiễm không khí từ các lò nung gốm bằng than và những hệ quả của nó đem lại. Một ý tưởng rõ như ban ngày đó là phải chuyển đổi phương thức lò nung, phải tìm nhiên liệu khác thay thế những chiếc lò than cũ kỹ và chứa đầy hiểm họa. Đi đầu trong việc ứng dụng nung đốt gốm bằng lo gas ở Bát Tràng, ông Lê Đức Trọng, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế và Sản xuất gốm sứ Bát Tràng cho biết: Ưu điểm của lò nung khí gas kiểu mới ít gây ô nhiễm, không tạo ra tro và khói, gây ra ít bụi và chất thải. Lò mới cũng giúp giảm đáng kể lượng sản phẩm bị hỏng trong quá trình nung. Tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn là 95%, cao hơn 30 - 50% so với lò bầu và lò hộp cũ đốt bằng than. Hiệu suất này có được nhờ lò gas có khả năng duy trì nhiệt độ cao hơn và ổn định hơn so với lò cũ.
Lò nung gas giúp Bát Tràng "sản xuất xanh" hơn Có thể nói, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lò ga vào sản xuất, nung gốm sứ đánh dấu một bước đột phá trong sản xuất gốm sứ của Bát Tràng, giúp địa phương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nung đốt gốm sứ bằng lò than, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm.
Chi phí xây một lò nung bằng gas cao gấp hơn 8 lần so với lò nung than. Mặc dù đầu tư ban đầu cao song về lâu dài, sử dụng lò gas lại tiết kiệm hơn lò than rất nhiều, bởi các chi phí chuẩn bị lò, chi phí lao động đều thấp hơn rất nhiều mà lượng thành phẩm đạt tiêu chuẩn lại cao. Ước tính chi phí sản xuất một chiếc bình khi dùng lò nung gas rẻ hơn 20%, sản xuất một bộ đồ ăn sẽ rẻ hơn 60% so với dùng lò nung bằng than, ông Lê Đức Trọng cho biết thêm.
Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2003, nhờ có sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để chuyển đổi công nghệ lò đốt từ Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (PECSME), công nghệ lò đốt gas của ông Lê Đức Trọng có cơ hội chuyển giao rộng hơn tới các làng nghề khác trên cả nước từ Bắc vào Nam. Nhờ vậy, làng nghề có cơ hội chuyển đổi toàn bộ sang dùng lò nung bằng gas, đảm bảo một môi trường trong sạch, lành mạnh hơn.
Cùng với đó, UBND xã Bát Tràng cùng Hiệp hội gốm sứ cũng tích cực vận động bà con chuyển đổi công nghệ lò nung than sang sử dụng gas nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện nay, hầu hết các hộ sản xuất gốm đã ứng dụng quy trình nung đốt gốm bằng lò gas thay thế lò than làm môi trường sạch hơn và chất lượng sản phẩm gốm cũng cao hơn. Nói về sự thay da đổi thịt của Bát Tràng, ông Phùng Văn Hoàn, chủ cơ sở gốm sứ Hoàn Trang (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho hay: Bát Tràng ngày nay khác xưa rất nhiều, máy móc công nghệ đã thay thế hầu hết các công đoạn sản xuất gốm sứ thủ công, giảm thiểu khí thải ra môi trường gây ô nhiễm, điều dễ nhận thấy là chúng tôi được hưởng lợi từ sự thay đổi đó. Các sản phẩm gốm của Bát Tràng ngày càng đa dạng về chủng loại và kiểu dáng. Đồ gốm Bát Tràng không chỉ có mặt trên khắp mọi miền đất nước mà còn xuất khẩu ở nhiều thị trường nước ngoài như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...
Đường vào làng gốm Bát Tràng hôm nay sạch và rộng, hai bên đường là những dãy nhà cao tầng san sát với vô vàn những cửa hàng giới thiệu sản phẩm gốm Bát Tràng. Cùng với sự phát triển của sản xuất, Bát Tràng cũng có những định hướng phát triển du lịch bền vững thông qua việc chuyển đổi sang phương thức “sản xuất xanh”, làng gốm Bát Tràng ngày càng chiếm được nhiều thiện cảm trong lòng du khách và góp phần ngày càng hoàn thiện, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Thu Trang - Nguyễn Mai