Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 22:39 GMT+7

Tin hoạt động

Làng gốm Bát Tràng: Sản xuất "xanh, sạch", phát triển bền vững

18/09/2015

Ông Hà Văn Lâm, Trưởng ban đại diện làng nghề gốm Bát Tràng cho biết: "Làng nghề hiện tại có gần 1.200 lò nung gốm. Nếu trước đây, phương thức nung thủ công khiến môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, thì nay, trên 2/3 số lò nung là lò gas hiện đại, với công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ra môi trường".

Những thay đổi tích cực

Môi trường Bát Tràng hiện tại đã có nhiều sự thay đổi tích cực. Không còn tình trạng nồng nặc mùi than khó chịu trong không khí hay những con đường đầy bụi bặm, kênh mương đen đặc mùn than. Thay vào đó là một không khí và môi trường xanh, sạch, đẹp hơn.

Chị Hoàng Thanh Thủy, một khách du lịch, chia sẻ: "Tôi đến đây mấy lần rồi, lần này quay lại thì thấy rất ngạc nhiên, không khí của làng nghề đã trong sạch, dễ chịu hơn rất nhiều. Kể cả lúc ngồi trong xưởng nặn đồ cũng không còn thấy mùi khét nồng khó chịu từ lò nung như trước nữa".

Để đạt được thành tích này, ông Nguyễn Trung Kiên, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bát Tràng cho biết: "Đây là kết quả của gần 5 năm vận động và giúp đỡ người dân tham gia sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và hiệu quả. Đến nay, phần lớn các hộ dân làng nghề đã chuyển từ sản xuất theo công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường sang các công nghệ tiên tiến hơn. Theo ghi nhận, đã có gần 90% các hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến".

Các cơ sở sản xuất gốm ở Bát Tràng đều cho hay, lò gas cải tiến giúp giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng giảm gần 30%, chất lượng sản phẩm đạt trên 90% (so với 60 - 70% trước đây), chi phí nhân công cũng giảm xuống. Vì vậy, lợi nhuận cũng tăng gấp 2 - 3 lần so với công nghệ cũ.

Không chỉ giúp cho kinh tế của người dân ngày càng phát triển, môi trường và đời sống của người dân làng nghề Bát Tràng cũng đang được cải thiện rõ rệt.

Theo Phòng Y tế xã, trước năm 2005, mỗi ngày làng Bát Tràng đốt hơn 800 tấn than, cùng với đó là một khối lượng rất lớn khí độc như: CO, SO2, H2S, bụi silic… được thải ra môi trường. Khiến tỷ lệ người mắc các bệnh về hô hấp, mắt, da liễu… rất cao. Đến nay, tình hình đã được cải thiện rõ rệt, khiến sức khỏe người dân cũng tốt hơn.

Còn nhiều khó khăn

"Môi trường trong làng sạch sẽ, trong lành hơn nhiều rồi. Người dân chúng tôi cũng ít bệnh tật hơn trước. Cũng đỡ lo cho sức khỏe của con cái hơn trước", chị Nguyệt, một người dân xã Bát Tràng, chia sẻ.

Dù đã có những tiến bộ vượt bậc, tuy nhiên, để phát triển bền vững, chính quyền và người dân làng nghề Bát Tràng vẫn còn nhiều việc phải làm. Khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề vốn cho người dân.

Ông Hà Văn Lâm, cho hay: "Lò nung gốm bằng gas hiện đại đang cho thấy kết quả tích cực, tuy nhiên, do chi phí xây dựng, lắp đặt cao (khoảng 100 - 150 triệu đồng/lò), nên nhiều gia đình không đủ sức xây dựng. Thị trường gốm cũng ngày càng cạnh tranh, nên việc bỏ số vốn lớn để đầu tư cũng khiến nhiều cơ sở sản xuất phân vân, e ngại".

Thực tế này đòi hỏi chính quyền các cấp cần có sự quan tâm hơn đến sản xuất của người dân làm nghề. Những chính sách hỗ trợ về vốn, về công nghệ, thị trường đầu ra, đầu vào… là cần thiết cho người dân.

Nói về vấn đề này, ông Kiên cho biết: "UBND xã và cấp trên đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân về cả công nghệ và vốn. Điển hình là dự án "Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DNNVV ở Việt Nam" áp dụng tại Bát Tràng từ năm 2005, các cơ sở sản xuất tham gia không chỉ được chuyển giao kỹ thuật mà còn được vay vốn thấp hơn lãi suất thị trường".

Rõ ràng, "bài toán" phát triển sản xuất bền vững, đang được người dân làm nghề và chính quyền xã Bát Tràng giải quyết rất tốt. Với những giải pháp hỗ trợ thiết thực từ các cấp quản lý, cùng sự thay đổi lớn trong nhận thức của người dân, Bát Tràng đang có nhiều cơ sở để tin vào sự phát triển bền vững của làng nghề.