Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 21:33 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn, xu thế tất yếu phát triển nông nghiệp bền vững

30/03/2023

Kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng phát triển nông nghiệp bền vững, tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho Hà Nội. Dù vậy, để mô hình này phát huy hiệu quả, cần thêm cơ chế ưu đãi, chính sách khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp.
Phóng viên Kinh tế và Đô thị có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường xung quanh nội dung này.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội
Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu
Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn có thể được hiểu như thế nào, thưa ông? 
Nguyên tắc cốt lõi của kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm trồng trọt; từ đó tạo ra chu trình khép kín giữa các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thuỷ sản, chế biến, chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng và giá trị cao.
Thực tế từ nhiều năm về trước, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đã xuất hiện tại Hà Nội, được thể hiện qua nhiều mô hình như: VAC (Vườn - Ao - Chuồng), Lúa - Cá - Vịt, xử lý rơm rạ để chế tạo phân hữu cơ vi sinh… Dù vậy, các mô hình nhìn chung còn diễn ra đơn lẻ, với quy mô hạn chế. Điều này không còn phù hợp trong xu thế phát triển nông nghiệp quy mô lớn hiện nay.
Ông có thể đánh giá về vai trò, ý nghĩa của kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đối với mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội?
Kinh tế tuần hoàn nói chung được xem là xu thế tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, kết nối hài hoà lợi ích giữa các lĩnh vực, nhất là chăn nuôi - trồng trọt - thuỷ sản. Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ và giữ gìn môi trường sống, xây dựng cảnh quan nông thôn.
Với những mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, việc phát thải chất thải, phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp sẽ được hạn chế tối đa. Ô nhiễm môi trường sẽ từng bước được giảm thiểu. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với định hướng phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững và tạo dựng nên những miền quê đáng sống trên địa bàn Hà Nội.
Các mô hình V.A.C (Vườn - Ao - Chuồng) là hình thái đầu tiên của kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Trọng Tùng.
Cần sớm có quy hoạch nông nghiệp
Hiện nay, việc phát triển những mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn Hà Nội đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
Như đã đề cập, các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đã xuất hiện từ lâu trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, các mô hình nhìn chung còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự bài bản để có thể nhân rộng ra các địa phương. Hiệu quả của các mô hình là có, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Để giải quyết vấn đề này, hiện nay Sở NN&PTNT Hà Nội đang kết nối các doanh nghiệp, triển khai thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chăn nuôi phục vụ trồng trọt tạo vòng tuần hoàn khép kín tại huyện Ba Vì.
Sở đã phối hợp với doanh nghiệp tiến hành khảo sát thực tế, làm việc với chính quyền địa phương, xây dựng phương án cụ thể để tổ chức triển khai trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, sẽ tổ chức đánh giá, nghiên cứu khả năng nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội.
Đối với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thành phần nào đóng vai trò quan trọng nhất, thưa ông? 
Phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn không phải là câu chuyện của riêng tổ chức, đơn vị hay cá nhân nào. Nó đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự đồng hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, và sự ủng hộ, tham gia của các tầng lớp nhân dân. Cá nhân tôi cũng đánh giá các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
“Chính quyền phải gắn bó với doanh nghiệp để tập trung giải quyết những vấn đề của địa phương nói chung. Lắng nghe, chia sẻ giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời giúp doanh nghiệp…” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận và phát triển những mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, theo ông, cần có những cơ chế, chính sách gì?
Cá nhân tôi cho rằng, quy hoạch nông nghiệp là vấn đề cốt lõi. Chỉ khi có quy hoạch rõ ràng thì các doanh nghiệp, hợp tác xã mới có cơ sở để mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách đất đai cũng cần cởi mở hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung, tích tụ tư liệu phục vụ sản xuất. Bởi thực tế các mô hình kinh tế tuần hoàn cần quỹ đất lớn phục vụ chu trình thu gom phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong nông thôn, chế biến thành những sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.
Việc đầu tư phát triển hạ tầng sản xuất nông nghiệp cũng cần được các cấp chính quyền của TP quan tâm nhiều hơn. Trong đó, cần chú trọng đầu tư trên cơ sở rà soát tổng thể và bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, chế biến…) nhằm bảo đảm hiệu quả nguồn lực.
 Xin cảm ơn ông!
Theo: Kinhtedothi