Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:54 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Nông nghiệp sạch: Hướng đi tất yếu để phát triển bền vững

08/07/2023

Nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng thành công mô hình nông nghiệp sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo yếu tố môi trường.
Tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều hộ chăn nuôi tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông đã kết hợp mô hình trồng lúa hữu cơ với nuôi vịt và nuôi cá. Mô hình lúa - cá - vịt thời điểm ban đầu có 8 thành viên xuống giống khoảng 20ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ. Trong mùa lũ 2022 vừa qua, 8 hộ dân này đã trữ cá đồng vào ruộng để nuôi tự nhiên, đến kỳ thu hoạch bán được hàng trăm triệu đồng. Đối với sản xuất lúa, các nông dân sử dụng giống ST 25, bón vùi phân hữu cơ trước khi gieo sạ; đồng thời kết hợp thả nuôi vịt nhằm giảm bớt các loại sâu rầy và tăng thêm nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích…
Ảnh minh hoạ (Internet)
Mô hình lúa - cá - vịt được đánh giá là có tính sáng tạo cao và cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của nông dân xã Phú Thành A. Việc sản xuất lúa hữu cơ, kết hợp nuôi vịt và nuôi cá tự nhiên là theo quy trình tuần hoàn, giảm phát thải; đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập, tăng lợi nhuận. “Mô hình này rất khả quan, do đó địa phương và ngành nông nghiệp cần tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân mở rộng quy mô, nghiên cứu nhân rộng ở những vùng có điều kiện tương tự…”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết.
Tại tỉnh Kiên Giang, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của vợ chồng thầy giáo Nguyễn Đông Thái (xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận) đã giúp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm trên vùng đất phèn mặn. Với quy trình áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, bình quân một vụ dưa thu được khoảng 4-4,6 tấn/1.000m2. Trong một năm canh tác 4 vụ dưa lưới đã cho thu hoạch hơn 16 tấn dưa, sau khi trừ chi phí còn lời từ 250-300 triệu đồng/năm. 
Dưa lưới trồng trong nhà kính cho thu hoạch quanh năm (Ảnh: Internet)
Tới đây, anh Thái mở rộng quy mô canh tác nhằm phấn đấu tăng doanh thu lên gần 1 tỉ đồng mỗi năm; ngoài ra phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng thương hiệu dưa lưới Vĩnh Thuận. “Lâu nay, huyện Vĩnh Thuận khá thành công với việc nuôi tôm càng xanh và trồng dưa lê; giờ đây mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà kính đã “bén rễ” trên vùng đất phèn mặn này nên làm đa dạng cây trồng, vật nuôi, giúp nông dân nhiều cơ hội để phát triển nông nghiệp bền vững”, lãnh đạo huyện Vĩnh Thuận cho biết.
Tại tỉnh Hậu Giang, trang trại Ngũ Thường Mekong do chị Lữ Thị Nhật Hằng (xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp) làm chủ được xem là một trong những trang trại đầu tư nông nghiệp khép kín một cách bài bản trong tỉnh. Để phát triển trang trại này, chị Nhật Hằng đầu tư hệ thống điện áp mái công suất 990kWp phía trên và tận dụng khoảng trống phía dưới để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 
Từ năm 2021, 10 nhà trồng nấm rơm với tổng diện tích khoảng 350m2 được đưa vào sản xuất. Sau khi thu hoạch xong bã rơm thải sẽ được ủ men vi sinh tạo thành phân bón hữu cơ để trồng cỏ voi, rau và nuôi trùn quế. Mỗi ngày trang trại thu hoạch từ 30-35kg nấm rơm, mang về doanh thu hàng chục triệu đồng/tháng. Cỏ voi sau thời gian trồng và phát triển trở thành nguồn thức ăn cho bò. Chất thải từ bò lại được tái sử dụng trở thành thức ăn cho trùn quế sinh trưởng tốt. Trùn quế được tận dụng làm thức ăn cho gà, vịt, cá.
Mô hình nuôi trùn quế của Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong (Ảnh: Báo Hậu Giang)
Bên cạnh đó, chị Hằng còn nuôi cá, trên ao cá sẽ làm những sàn nuôi vịt sạch. Chị dùng phân vịt cho cá ăn, còn nuôi trùn cho cá, gà, vịt trong nông trại ăn. Rơm thì làm nấm. Những mô rơm thải thì sử dụng làm giá thể đẻ cho trùn, trồng cây, bón phân cho cây, trồng rau sạch. Hiện chị đã làm ra được nấm rơm, gà, trùn; phân trùn chị cũng đã bán được cho bà con xung quanh đây để trồng cây.
Trong xu thế nền kinh tế của thế giới hiện nay là “less in more” - ít hơn nhưng được nhiều hơn và “more from less” - được nhiều hơn từ cái ít hơn; vấn đề này thông qua công nghệ để giải quyết. Chúng ta có thể tuần hoàn các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp, từ đó sẽ làm giảm đi các khoản chi phí về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... 
Một khi chi phí trong sản xuất nông nghiệp được kéo giảm xuống, cho dù năng suất có thể giảm theo, nhưng giá bán sẽ cao hơn, bởi tạo ra được sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng. Đây cũng là cách để “thoát” tư duy về sản lượng, từ đó hướng đến tư duy về chất lượng, hướng đến nông nghiệp sạch, xanh, tuần hoàn. 
Tuệ Lâm