Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:58 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, thân thiện với môi trường

14/03/2023

Đa phần người tiêu dùng sẵn sàng chi tăng thêm đối với sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có ưu điểm về truy xuất được nguồn gốc, thành phần tốt cho sức khỏe, đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường...
Mới đây, theo kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố cho thấy, thị trường tiêu dùng Việt đang dần phát triển về chiều sâu. Đồng thời, nhu cầu sử dụng sản phẩm vì sức khỏe, xanh - sạch, có tính bền vững ít tác động tới môi trường... là những xu hướng nổi bật hiện nay tại thị trường nội địa.
Cụ thể, cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 thực hiện từ tháng 9/2022 đến nay, khảo sát trực tiếp (offline) và trực tuyến (online) nhằm thu thập ý kiến đánh giá, bình chọn của người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc. Kết quả ghi nhận hơn 61.000 lượt bình chọn cho cộng đồng doanh nghiệp, từ khảo sát trực tiếp những điểm bán, khảo sát trực tiếp người tiêu dùng cùng lúc diễn ra tại những thành phố trực thuộc trung ương là các trung tâm kinh tế của các vùng miền như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ
Kết quả cuộc khảo sát chỉ ra rằng, người tiêu dùng không chỉ chú trọng những yếu tố rất cơ bản như chất lượng, giá cả... mà ngày càng quan tâm các yếu tố về an toàn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ. Riêng đối với sản phẩm ở một số nhóm ngành, gồm: thực phẩm, đồ uống... thì những yếu tố về an toàn sử dụng ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hơn trước.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa. 
Hầu hết người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết, sẵn sàng chi tăng thêm đối với sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có ưu điểm về truy xuất được nguồn gốc, thành phần tốt cho sức khỏe, đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường... Đồng thời, có 43% người tiêu dùng được khảo sát lo ngại doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để sản xuất.
Chia sẻ với phóng viên, chị Bùi Thị Hòa (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Người tiêu dùng chúng tôi phần lớn đều sẵn sàng bỏ ra chi phí xứng đáng cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, thậm chí là số tiền cao hơn vài lần so với các sản phẩm cùng loại. Bởi “sức khỏe là vàng”, bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không mua được sức khỏe.
Hơn nữa, người tiêu dùng có cảm nhận rất rõ ràng đối với sản phẩm vì chính chúng tôi là người bỏ tiền ra mua và trực tiếp sử dụng. Nếu các đơn vị sản xuất làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì” sẽ rất khó để phát triển, còn nếu sản phẩm đạt chuẩn và phù hợp thị hiếu... thì người này giới thiệu người kia dùng, điều này sẽ từng bước khẳng định uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, cũng là con đường duy nhất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững”.
Liên quan đến vấn đề trên, thời gian qua, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" rõ ràng đã mang lại những hiệu quả hết sức to lớn. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã lên đến 80 - 90%, riêng tỷ lệ hàng Việt tại chuỗi siêu thị Go của Tập đoàn Central Retail đã lên đến 94 - 96%; tại chợ truyền thống đạt 60 - 70%... 
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đề án có ý nghĩa tích cực trong việc đảm bảo đời sống của người dân, duy trì phát triển kinh tế - xã hội ổn định trước bối cảnh đang có nhiền biến động về khủng hoảng kinh tế trên thế giới; thách thức của hội nhập và ảnh hưởng của dịch bệnh...
“Đề án này hướng tới mục tiêu để góp phần phát triển thị trường trong nước, tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối. Từ đó, thiết lập các chuỗi giá trị chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ Trung ương đến địa phương từ doanh nghiệp và đến các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản đặc biệt đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
 Nguồn: VietQ.vn