Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 10:42 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Sản xuất thành công phân bón nhả chậm thân thiện với môi trường

22/09/2021

Phân bón nhả chậm thông minh ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp là sản phẩm của TS. Trần Quốc Toàn, Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cùng với các cộng sự ở Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một loại phân bón mang lại hiệu quả cao, giá rẻ và đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường.
Phân bón nhả chậm thông minh, thân thiện môi trường ứng dụng cho chè xanh.
Đề tài thiết thực
TS. Trần Quốc Toàn cho biết, hiện nay, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam và các nước trên thế giới rất thấp (khoảng 30-50%), do sự bay hơi của amoniac, quá trình rửa trôi… Điều này làm tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh tế và gây ô nhiễm cho môi trường. Vì vậy, việc nghiên cứu chế tạo ra các loại phân bón nhả chậm vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng trong một thời gian dài, chống bị rửa trôi, vừa thân thiện với môi trường rất được các nhà khoa học quan tâm.  
Trong các loại phân bón nhả chậm, dòng phân bón nhả chậm có kiểm soát bọc polime (phân bón nhả chậm thông minh) rất được chú ý bởi nó có khả năng kiểm soát tuổi thọ của sản phẩm, mô hình nhả chất dinh dưỡng phù hợp với chu kì sinh trưởng của cây trồng và không ảnh hưởng bởi tính chất của đất... Tuy nhiên do giá thành cao (gấp 3-10 lần phân bón thông thường) nên phân bón nhả chậm thông minh chủ yếu được ứng dụng ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Tây Âu...
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng phân bón nhả chậm, đặc biệt là phân bón nhả chậm thông minh còn rất hạn chế. Hầu hết các sản phẩm phân bón nhả chậm và phân bón nhả chậm thông minh thương mại ở thị trường trong nước chủ yếu là nhập khẩu giá thành cao và chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam.
Với mong muốn tạo ra sản phẩm phân bón giúp ích cho nông dân mà lại tiết kiệm tối đa chi phí TS. Trần Quốc Toàn, giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên và các cộng sự thực hiện đề tài: ‘‘Nghiên cứu chế tạo phân bón nhả chậm thông minh, thân thiện môi trường ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp”. Mục tiêu của đề tài nghiên cứu là chế tạo thành công một số loại phân bón nhả chậm với vỏ bọc polyurethan thân thiện với môi trường và ứng dụng thử nghiêm phân bón nhả chậm cho một số cây trồng (cây bí xanh, cây chè) trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên.
Sản phẩm thân thiện môi trường
Phân bón nhả chậm thông minh do nhóm nghiên cứu gồm 2 thành phần là lớp vỏ bọc (polyurethan) và phần lõi (chứa chất dinh dưỡng). Lớp vỏ polyurethan có khả năng phân hủy sinh học, có vai trò như là màng bán thấm giúp điều khiển, kiểm soát quá trình nhả dinh dưỡng của cây trồng. Bằng cách điều chỉnh độ dày lớp màng polyurethan nên có thể điều chỉnh độ nhả theo thời gian nhất định (3; 6; 9 tháng...).
Phân bón của đề tài nghiên cứu có thể kiểm soát tuổi thọ sản phẩm bằng cách điều chỉnh độ dày lớp màng polyurethan.
Các chất dinh dưỡng - phần lõi (gồm các loại phân dễ tan như ure, KCl, DAP, MAP... và các khoáng sét tự nhiên…) được bọc trong vỏ polyurethan. Sau đó, chất dinh dưỡng được nhả dần cho cây hấp thụ nên tránh được hiện tượng rửa trôi phân bón, tiết kiệm sức lao động và chi phí sản xuất cũng như giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
“Đây là sản phẩm phân bón nhả chậm thông minh đầu tiên ở Việt Nam có khả năng kiểm soát tuổi thọ của sản phẩm bằng cách điều chỉnh độ dày lớp màng polyurethan. Sản phẩm có sự đa dạng về thành phần dinh dưỡng (N,P,K), thời gian nhả (khoảng 3; 6 ;9 tháng), phù hợp với điều kiện khí hậu, từng loại cây trồng ở Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm không ảnh hưởng xấu đến tính chất của đất do lớp vỏ bọc polyurethan có khả năng phân hủy sinh học bởi các vi sinh vật trong đất, thân thiện với môi trường, chỉ cần bón 1 lần/vụ nên tiết kiệm được thời gian bón, chi phí sản xuất”, TS. Toàn khẳng định.
Sản phẩm phân bón nhả chậm chế tạo được thử nghiệm trên các cây trồng như: cây chè, bí xanh, cà chua, dược liệu, cam... bước đầu cho kết quả tốt, tiết kiệm phí phân bón và thời gian bón phân mà vẫn cho năng suất cao. Đặc biệt, so với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại có giá thành rất cao, sản phẩm của đề tài đã khai thác triệt để nguồn nguyên liệu rẻ tiền, sẵn có trong nước (bentonit, tinh bột sắn) để hạ giá thành sản phẩm. "Sản phẩm phân bón nhả chậm thông minh do nhóm nghiên cứu sản xuất có giá thành chỉ bằng từ 30-40% phân nhập khẩu và có thể giảm xuống còn 25-30% khi sản xuất lượng lớn." - TS. Toàn thông tin thêm.
Phân bón nhả chậm thông minh “made in Việt Nam” có giá thành chỉ bằng từ 30-40% phân nhập khẩu.
Chia sẻ về việc thương mại hóa sản phẩm, bài toán vốn rất đau đầu của các nhà khoa học làm nghiên cứu, TS Toàn lạc quan: Khi thử nghiệm sản phẩm được bà con nông dân đón nhận và hỏi mua. Nhưng phân bón là sản phẩm đặc thù của ngành nông nghiệp, để đưa ra được thị trường thì cần trải qua nhiều công đoạn, như thử nghiệm qua nhiều vụ, nhiều vùng đất, kiểm định chất lượng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa vào danh mục phân bón sử dụng trong nông nghiệp... Hiện sản phẩm đã đăng kí giải pháp hữu ích ở Cục Sở hữu Trí tuệ và nhóm nghiên cứu đang từng bước hoàn thiện các khâu để có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất.
Mai Anh