Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:19 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Dịch vụ ăn uống, lĩnh vực đang chuyển mình theo hướng thân thiện môi trường

09/05/2022

Ngành dịch vụ ăn uống (F&B) đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực khi chuyển dần sang các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường. Điều này đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ nhanh nhạy, muốn kinh doanh các sản phẩm bền vững. 

F&B là ngành đóng góp đáng kể vào nền kinh tế tại các đô thị. Tuy nhiên, đây cũng là ngành tạo ra một lượng rác thải khổng lồ, nhất là trong bối cảnh các dịch vụ ăn uống đem đi (take-away) đang ngày một nở rộ, không có dấu hiệu thoái trào cùng nhịp sống đô thị hối hả. 

Theo ước tính của Starbucks, thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới, ước tính mỗi năm khoảng 7 tỷ chiếc cốc nhựa bị thải ra môi trường từ hệ thống cửa hàng của hãng trên toàn cầu. Cùng với 7 tỷ chiếc cốc trên là số lượng tương ứng ống hút nhựa, túi nilon đựng kèm. Đây là ví dụ cho thấy con số giật mình về lượng rác thải nhựa riêng trong lĩnh vực F&B. 

Tuy nhiên thời gian gần đây đang xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc sinh thái, như ống hút cỏ, hộp đựng giấy, túi nilon phân hủy sinh học, trong các cửa hàng F&B. Điều đáng mừng là không chỉ các thương hiệu lớn áp dụng các giải pháp này mà ngay cả các nhà hàng, quán nước quy mô nhỏ cũng đang tích cực tiêu thụ sản phẩm “xanh” hơn. 

Lĩnh vực F&B đang ghi nhận một sự chuyển mình theo hướng xanh hơn.

Ý thức tiêu dùng - Yếu tố quyết định

Dạo quanh các cửa hàng trà sữa, cà phê không khó để thấy xuất hiện ngày càng nhiều các loại ống hút, thìa, dĩa từ vật liệu tự nhiên như giấy, tre, cỏ, bã mía… thay vì các loại sản phẩm tương tự bằng nhựa. Anh Hoàng Trung Hiếu, chủ một quán trà sữa trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) cho biết từ khoảng hai năm nay quán anh đã dần thay dẫn đến bỏ hẳn ống hút nhựa bằng các loại ống thân thiện môi trường. Anh cho biết: “Khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ ngày nay khá ý thức về vấn đề môi trường. Họ không chỉ muốn uống ngon, mà yêu cầu phải sạch và bao bì cũng thân thiện môi trường nữa. Thậm chí một bộ phận khách hàng chấp nhận giá thành có thể cao hơn một chút để đổi lại các giá trị kia.”

Đồng quan điểm với anh Hiếu, chị Kim Ngân, quản lý một cửa hàng bánh ngọt và đồ uống trên phố Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho rằng khách hàng ngày nay có xu hướng lựa chọn các thương hiệu sử dụng các sản phẩm bao bì, hộp đựng thân thiện môi trường nhiều hơn. “Khách hàng của chúng tôi đa phần là học sinh, sinh viên và cả dân văn phòng, trong đó có nhiều khách quen là người nước ngoài sống và làm việc ở gần đây. Họ đều có ý thức rất rõ về việc sử dụng sản phẩm sinh thái tốt hơn so với sản phẩm nhựa dùng một lần.” 

Chị Ngân cho biết thị hiếu người tiêu dùng thay đổi cũng là yếu tố quyết định để công ty mẹ thay các sản phẩm nhựa dùng một lần sang sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường cho toàn bộ hệ thống cửa hàng.

Không chỉ các hệ thống F&B thuần túy mà cả chuỗi dịch vụ giải trí như rạp chiếu phim, khu vui chơi, cũng đang tham gia vào làn sóng “xanh” này. Hệ thống rạp CGV, một trong những cụm rạp lớn trên cả nước từ vài năm trở lại đây đã bắt đầu giới thiệu với khách hàng các loại ống hút có nguồn gốc tự nhiên như bã mía, bột gạo, bột sắn… qua các chiến dịch Sống xanh, Mẹ trái đất.

Theo đại diện CGV, phản hồi từ phía khách hàng đa phần tích cực. Bằng chứng là từ khi bắt đầu chương trình, nhiều bạn trẻ đã liên tục chụp ảnh check-in với những chiếc ống hút xinh xắn, giúp các chiến dịch thay đổi thói quen tiêu dùng xanh này được biết tới nhiều hơn trên mạng xã hội. 

Bạn Đỗ Quyên, một khách hàng cho biết: “Cá nhân em thấy rằng việc bảo vệ môi trường là một hành động cực kỳ ý nghĩa. Nhưng nếu chỉ nói bằng miệng thì vô nghĩa. Nên hôm nay đi xem phim thấy rạp có ống hút sinh học bã mía em thấy rất vui. Đây là một hành động tích cực để giảm rác thải nhựa”. 

Tới cuối năm 2021, cụm rạp này đã chính thức ký hợp đồng với một công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm ống hút từ nguyên liệu tự nhiên, để thay thế hoàn toàn các loại ống hút phục vụ cho khách hàng của mình. 

Lựa chọn đa dạng hơn cho người tiêu dùng

Dạo quanh một số siêu thị lớn tại Hà Nội như Go Thăng Long, Aeon Mall Hà Đông, các mặt hàng thân thiện môi trường xuất hiện khá phong phú về thương hiệu và chủng loại trên các quầy kệ hàng gia dụng. Phổ biến nhất là nhóm sản phẩm dịch vụ ăn uống, từ bát, đĩa, hộp, thìa, dĩa được sản xuất từ bột gạo, bột ngô, bã mía, tre, giấy… tới các loại túi đựng phân hủy sinh học.  Điểm nhấn của các sản phẩm này là một số có thể dùng được cả trong lò vi sóng và chi phí không quá chênh lệch so với sản phẩm nhựa cùng loại. 

Chẳng hạn, một sản phẩm khá được ưa chuộng là thìa, dĩa gỗ dành cho các bữa tiệc ngoài trời, sinh nhật. Thìa gỗ vừa đảm bảo vệ sinh, vừa bền lại vừa có tính thẩm mỹ cao, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn thay vì thìa, dĩa nhựa. Ngay cả các loại hộp đựng khác cần độ bền cao hơn như hộp đựng thức ăn, cốc uống nước cũng đã xuất hiện nhiều phương án thay thế thân thiện môi trường hơn như bã mía, bột ngô. 

Người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn đa dạng và thân thiện môi trường.

Được biết, chi phí trung bình cho mỗi bộ sản phẩm này dao động từ vài chục đến khoảng 100 ngàn đồng cho một set khoảng 50 chiếc cốc hoặc hộp đựng. Nếu mua với số lượng lớn thì chưa đến 500 đồng/chiếc, mức giá được nhiều người tiêu dùng đánh giá là hợp lý. 

Chị Chi Mai, một người mua hàng tại siêu thị lựa chọn bộ thìa, dĩa gỗ và hộp đựng làm từ bã mía cho ngày sinh nhật của con gái thay vì sản phẩm nhựa. “Giá có hơi nhỉnh hơn một chút, nhưng tôi nghĩ thức ăn đựng trong đồ dùng từ gỗ, vật liệu tự nhiên sẽ tốt hơn. Mà những sản phẩm này có thể tái sử dụng một vài lần, tính ra thì chi phí còn rẻ hơn so với đồ nhựa. Quan trọng nữa là chúng thân thiện với môi trường”, chị cho biết. 

Cơ hội cho nhà khởi nghiệp

Xét từ khía cạnh kinh doanh, khi thị hiếu người tiêu dùng thay đổi đồng nghĩa với việc thị trường mở ra những cơ hội mới. Thực tế, thị trường dịch vụ F&B thân thiện môi trường đã phát triển khá tốt ở một số quốc gia nơi người dân có ý thức cao về các vấn đề môi trường. 

Chẳng hạn, năm ngoái một công ty khởi nghiệp Hà Lan đã thu về 9 triệu euro từ các hoạt động giao thực phẩm tại nhà dùng hộp tái sử dụng. Trên đà thắng lợi, doanh nghiệp này đã tăng tốc mở rộng thị trường sang các quốc gia châu Âu lân cận với một khoản đầu tư mới trị giá nhiều triệu đô. 

Tại Hồng Kông, Deliveroo HK mới đây đã tuyên bố đầu tư 2 triệu đô la Hồng Kông (tương đương hơn 250 ngàn USD) cho mạng lưới dịch vụ giao hàng F&B không sử dụng nhựa. Dự án khởi động ngay sau khi chính phủ xem xét một động thái cấm độ ăn bằng nhựa dùng một lần tại đặc khu kinh tế này.

Việt Nam với dân số hơn 97 triệu dân, được coi là thị trường tiềm năng cho dịch vụ F&B xanh. Đặc biệt khi Chính phủ đang đưa các chính sách phát triển kinh tế xanh vào trọng tâm của nền kinh tế và thắt chặt các quy định về sản phẩm nhựa dùng một lần, thì hệ sinh thái dịch vụ F&B xanh là hướng đi tất yếu. 

Các sản phẩm ống hút thân thiện môi trường của doanh nghiệp Việt Nam. 

Thực tế trong thời gian vừa qua đã có nhiều công ty khởi nghiệp tham gia vào lĩnh vực này và gây được một số tiếng vang nhất định. Trong đó có thể kể đến EQUO, một nhà sản xuất các sản phẩm ống hút từ bột gạo, bột ngô, cỏ, dừa, bã mía đã gọi vốn thành công ở cả Mỹ và Việt Nam với hơn 215 ngàn USD. 

Tuy nhiên, có thể khẳng định chưa nhiều nhà đầu tư mặn mà với lĩnh vực sản xuất sản phẩm dịch vụ F&B xanh. Theo chia sẻ từ các nhà đầu tư trong Shark Tank, thì lý do là bởi sức cạnh tranh của các sản phẩm sinh thái vẫn chưa mạnh mẽ, xét cả về giá và độ bền sản phẩm cũng như mức độ chấp nhận của thị trường. 

Thêm vào đó, vùng nguyên liệu và chuỗi cung ứng chưa đồng đều cũng là hạn chế không nhỏ cản trở sự phát triển của thị trường. Theo anh Phạm Lê Đạt, chủ doanh nghiệp sản xuất ống hút tre ở Vĩnh Long, thì thời gian đầu mới thành lập doanh nghiệp anh đã rất vất vả trong việc đi tìm nguồn nguyên liệu. “Hiện nay số hộ trồng tre, trúc rất ít vì người dân chuyển dần qua sử dụng đồ dùng bằng nhựa nhiều. Tôi phải lặn lội lên các tỉnh Tây nguyên tìm mua tre, trúc, nứa để đem về làm ống hút. Nguồn nguyên liệu trong tỉnh chỉ đạt 20%.”

Để có một tương lai bền vững hơn cho hệ sinh thái dịch vụ F&B, hay rộng hơn là các sản phẩm tiêu dùng thân thiện môi trường, theo các chuyên gia ngoài sự điều tiết của thị trường, cần thêm sự hỗ trợ, điều tiết của các cơ quan chức năng để chuỗi cung ứng phát triển đồng đều. Có như vậy các doanh nghiệp mới đi lâu và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. 

Giang Nguyễn